Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, từ năm 2018 đến nay, có 95% số dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư triển khai thực hiện theo tiến độ cam kết.
Bên cạnh kết quả đạt được, Quảng Bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế khi tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chưa thật sự rõ nét; năng suất lao động còn thấp.
Việc phát triển kinh tế ở Quảng Bình chưa tương xứng với tiềm năng. |
Cần nỗ lực phi thường
PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định, Quảng Bình vẫn chưa phát triển như đúng mong muốn, khi có nhiều tiềm năng như du lịch và dịch vụ nhưng vẫn chưa phát triển đúng tầm.
“Tôi nghĩ các nhà đầu tư đều hỏi rằng liệu Quảng Bình có đủ ý chí chiến đấu, khát vọng có đủ mạnh để bay lên hay không. Các nhà đầu tư đi đâu cũng đua tranh, chiến đấu vì thế họ luôn hỏi liệu tỉnh Quảng Bình có đủ quyết liệt để đồng hành với doanh nghiệp hay không”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Quảng Bình là địa phương có nhiều “đặc sản” như gió, nắng, bão lũ.. đều là những yếu tố gây bất lợi trong phát triển kinh tế. Tuy vậy, phải biến những đặc sản đó thành lợi thế để bứt phá, không thể chỉ biết đứng nhìn “chịu trận” trước sự khắc nhiệt của thiên nhiên.
Chuyên gia cho rằng, Quảng Bình phải biến nắng, gió và bão lũ thành lợi thế để bứt phá trong phát triển kinh tế. |
“Cát chứa nguồn lực phát triển rất lớn và tiềm năng như điện gió, sân gofl hay như những dãy núi đá vôi kỳ vĩ trong đó chứa đựng những kỳ quan thế giới và khối lượng khoáng sản vô cùng bất tận”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.
Nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đánh giá, lâu nay Quảng Bình vẫn đang phát triển rất chậm, dù địa phương này có rất nhiều tiềm năng về du lịch như thế nhưng để “bay lên” chắc chắc sẽ cần một nỗ lực phi thường.
Ngoài ra, Quảng Bình hiện vẫn chưa có trung tâm phát triển đúng nghĩa, ngay cả TP Đồng Hới cũng chỉ là một thành phố rất là nhỏ, gọi là “thành phố xinh xắn” thì được, nhưng để gọi là trung tâm phát triển mạnh thì cần phải nỗ lực hơn nữa.
“Quảng Bình phải có một trung tâm, để không những phát triển mà còn hội nhập, trung tâm kết nối tạo thành động lực mạnh cho kinh tế Quảng Bình”, PSG.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
PSG.TS Trần Đình Thiên phân tích thêm, khi lực lượng lao động ở Quảng Bình vẫn còn rất hạn chế trong khi cả nước đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đòi hỏi một nền tảng kinh tế số và nguồn nhân lực công nghệ cao. Nhưng với nguồn nhân lực ở Quảng Bình, thì quá trình này phải mất rất nhiều thời gian.
Nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Quảng Bình còn những tồn tại, hạn chế và đang đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ, thiếu những sản phẩm nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Công nghiệp phát triển chưa mạnh mẽ, chưa có các dự án công nghiệp có quy mô lớn, mang tính động lực của nền kinh tế, thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp còn hạn chế.
Còn thiếu các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, khu nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Quảng Bình phát triển. |
Hệ thống kết cấu hạ tầng Giao thông đô thị, nội thị và các vùng trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chậm hoàn thiện.
Đặc biệt, Quảng Bình chưa đề ra được một chương trình phát triển kinh tế biển bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp du lịch biển với các loại hình – sản phẩm du lịch khác… để khai thác tối đa một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Quảng Bình.
Vì vậy, để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá trong khu vực, Quảng Bình phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Quảng Bình có thể tập trung phát triển một số ngành dịch vụ như Du lịch, thương mại, vận tải, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá – thể thao… trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Đồng thời, phải rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, các quy hoạch hạ tầng khác. Và tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình phát triển.
Tác giả: NGUYỄN VƯƠNG - MINH TUẤN
Nguồn tin: Báo VTC