Gần 5 tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Lan, trú thôn Đạm Thủy 1, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cùng hàng chục hộ dân khác phải trú ngụ trong khu vực lán tạm. Kể từ đợt mưa, lũ lịch sử tháng 10/2020 khi mà nhà cửa, tài sản của họ bị đất vùi lấp, phá hoại, tính mạng bị đe dọa, những người dân này vẫn chưa được di dời đến khu tái định cư.
“Cơ ngơi” của người dân bị phá hủy bởi sạt lở đất. |
Bà Lan cho biết, trong đợt mưa, lũ lịch sử, mảnh đồi phía sau lưng nhà bà sạt xuống, vùi lấp hoàn toàn căn nhà 3 gian của gia đình. Cùng hoàn cảnh như bà, tại xã Thạch Hóa cũng có hơn chục hộ dân khác bị đất sạt lở phá hoại nhà cửa, đe dọa tính mạng, tài sản.
Không để dân phải sống cảnh luôn nơm nớp lo sợ, chính quyền xã Thạch Hóa đã mượn đất của một hộ dân trên địa bàn, dựng lên khu lán tạm rồi di dời khẩn cấp các hộ sống trong vùng sạt lở.
Khu lán tạm này gồm 2 dãy nhà nằm đối diện nhau được che bằng bạt, ván mỏng lợp bằng lá cọ hoặc tôn. Không gian sinh sống của mỗi hộ gia đình chỉ khoảng 20m2. Để lán tạm vững chãi hơn người dân thường nhặt ván gỗ ở nhà cũ tới gia cố gian nhà bạt.
“Cơ ngơi” của người dân bị phá hủy bởi sạt lở đất. |
Tưởng chừng cuộc sống "tạm" khó khăn và thiếu thốn sẽ nhanh kết thúc để sớm ổn định cuộc sống, xây dựng lại cơ ngơi. Nhưng đến nay mong mỏi của người dân nơi đây vẫn chưa được đáp ứng. Bởi nhiều lí do mà khu tái định cư vẫn chưa được hoàn thành.
"Cứ mưa là nước tạt vào, nhà chỗ nào cũng ướt hết, đời sống giờ hết sức khó khăn. Chỉ mong chính quyền tạo điều kiện cho chúng tôi sớm có mặt bằng tái định cư để chúng tôi dựng nhà", bà Lan chia sẻ.
Còn với gia đình ông Mai Văn Cẩn (người sống chung khu lán tạm với gia đình bà Lan) thì sau một thời gian ở lán tạm, trước tết Nguyên Đán, gia đình ông lại dắt díu nhau về ở nhà cũ. Nhà ông Cẩn nằm giữa sườn đồi, ngôi nhà này luôn đối mặt với nguy cơ bị đất trên đồi sạt xuống vùi lấp.
Cuộc sống của người dân trong khu lán tạm gặp nhiều khó khăn. |
Dù đối mặt với nguy hiểm luôn thường trực nhưng gia đình ông cũng đành chịu. Bởi vì nơi ở tạm quá chật chội, mọi sinh hoạt đều không được thoải mái. Nhiều tài sản trong đó có vật nuôi phải gửi nhờ nhà người quen nên việc chăm sóc và sản xuất gặp nhiều khó khăn.
"Ở lán tạm che bạt, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, gia đình tôi ở tạm qua mùa mưa, lũ thì xin về lại chỗ nhà cũ vì nhà đông người phức tạp. Ở chỗ đó sống và làm việc đều gặp khó khăn. Chúng tôi mong sao chính quyền sẽ sớm cấp đất, di dời lên ở chỗ mới để ổn định cuộc sống", ông Cẩn cho biết.
Ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, hiện xã này đã quy hoạch khu đất rộng 11.800m2 làm nơi tái định cư cho 30 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo đó, mỗi hộ dân được bố trí 200 - 300m2 đất, được nhà nước hỗ trợ từ 10 đến 40 triệu đồng làm nhà mới. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để triển khai vẫn chưa có.
"Về tiến độ khu định cư, di dời khẩn cấp các hộ bị sạt lở trong đợt lũ thì đến nay mặt bằng đã được đo vẽ, kiểm đếm, trích đo để trình phê duyệt. Về nguồn vốn thì phía huyện họ đang đề xuất tỉnh cấp khẩn trương để làm cho các hộ di dời trước mùa mưa bão", ông Bình cho biết.
Người dân mong chính quyền sớm đưa họ đi tái định cư. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, Sở này đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình phân bổ 52 tỷ đồng để xây dựng 4 khu tái định tại 3 huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Quảng Ninh cho người dân vùng sạt lở.
Theo ông Minh, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất, nhưng nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư này vẫn chưa được giải ngân.
"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ, đưa về huyện làm chủ đầu tư. Đề xuất làm khẩn trương vì khoản tiền làm nhà cho dân thì Sở đã xin được hỗ trợ, còn lại tỉnh cần cấp kinh phí để huyện nhanh chóng làm mặt bằng", ông Mai Văn Minh cho biết.
Tác giả: Hùng Trần
Nguồn tin: giadinh.net.vn