Tin địa phương

Quảng Bình: Người dân ven sông Gianh với nỗi lo sạt lở bờ sông mùa mưa lũ

Mỗi mùa mưa lũ về, người dân ven bờ sông Gianh lại đối mặt với hiểm họa từ thực trạng sạt lở bờ sông. Những phần ruộng bãi bị dòng sông cuốn mất, những căn nhà trước đây nằm cách xa bờ thì nay chênh vênh cạnh bờ sông.

Đến hẹn lại lên, mùa mưa lũ về cũng là khi người dân tại nhiều địa phương nằm ven sông Gianh lại bất an với thực trạng bờ sông bị sạt lở. Đặc biệt tại các đoạn sông chảy qua huyện Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng. Khi mùa mưa tới, nước lũ trên sông lên nhanh, dòng chảy rất mạnh gây xói nghiêm trọng hai bên bờ sông.

Người dân sinh sống ven sông Gianh bất an với nỗi lo sạt lở bờ sông, đặc biệt là khi mùa mưa lũ đến.

Theo nhận định của người dân khu vực này, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Gianh có phần gia tăng, một phần là do tình hình biến đổi khí hậu khiến mưa lũ gia tăng và một phần là hậu quả từ các hoạt động dân sinh, khai thác cát, sỏi quá mức.

Chị Bùi Thị Thanh trú tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, nhà chị ở sát mép sông, mỗi lần lũ về, vùng bờ sông phía sau nhà lại bị khoét sâu. Hiện bờ sông đã nằm sát phần móng nhà chị.

Cũng như gia đình chị Thanh, nhiều hộ dân trong thôn cũng nơm nớp lo sợ cho tính mạng, tài sản của mình khi bờ sông không ngừng sạt lở. Họ không biết khi nào dòng nước lũ sẽ "nuốt" hết phần đất sinh sống, sản xuất của mình. Vậy nên mỗi lần mưa lớn, lũ về là gia đình chị Thanh cùng hàng xóm phải nhanh chóng sơ tán đến nơi an toàn.

"Sạt lở ngày càng nghiêm trọng, bữa trước phần đất nằm ở phía ngoài xa, nhưng sạt lở dần dần vào sâu hơn 6 - 7 mét. Chỗ trước kia là bãi đất bây giờ sạt có thể neo chiếc đò", chị Thanh cho biết.

Còn tại xã Thuận Hóa, tình trạng sạt lở cũng đang đe dọa cuộc sống của người dân. Đặc biệt tại thôn Xuân Canh có tới hơn 2/3 hộ dân ở làng này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc sạt lở bờ sông.

Nước lũ đã cuốn trôi rặng tre um tùm của gia đình ông Trung xuống lòng sông Gianh.

"Thôn Xuân Canh mỗi năm bị sông Gianh cướp mất 5ha đất do sạt lở. Năm nay, riêng nhà tôi cả hàng tre vừa bị nước lũ cuốn sâu xuống dưới dòng sông, hơn 450m2 đất bị nước nhấn chìm", ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng thôn Xuân Canh cho biết.

Với xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, nơi tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra rất nghiêm trọng. Địa phương này đã được phân bổ dự án kè sông mới mức đầu tư lên tới 73 tỷ đồng. Với nhiều khó khăn, đến nay công tác thi công bờ kè vẫn chưa được hoàn thành.

Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: "Nguyện vọng của chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn là mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công để ổn định đời sống người dân trong xã."

Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình cho biết, từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ của Trung ương, Quảng Bình đã đầu tư xây dựng 10 công trình kè chống xói lở với tổng chiều dài hơn 17km.

Xây kè chắn chống sạt lở ven sông là giải pháp tối ưu để bảo vệ đất đai, ổn định cuộc sống cho người dân.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 27 vị trí sạt lở. Với nguồn lực của tỉnh này thì rất khó để có thể xây mới và sửa chữa kè chống sạt lở. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước thực trạng sạt lở. Các địa phương sẽ lên phương án di dời người dân tới nơi ở mới, cấp kinh phí gia cố tạm những đoạn đường, kè xung yếu đang mất an toàn.

"Vừa rồi có nguồn vốn của WB8 nên đã thực hiện được một số đoạn, dự án xây kè. Nhưng nguồn này của giai đoạn 2016-2020 nên đã hết. Còn lại vẫn có nhiều xã chưa xây dựng được kè chống sạt lở. Nếu có nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới hoặc bên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì sẽ có thêm nguồn để thực hiện được. Giờ rà soát lại để xuất với Trung ương để xin kinh phí gia cố lại kè", ông Minh cho biết.

Tác giả: Hùng Trần

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP