Đêm 10 và sáng 11/10, trên địa bàn thành phố Đồng Hới có mưa rất to khiến một số tuyến đường giao thông ở trung tâm thành phố bị ngập như đường Hữu Nghị, Trần Hưng Đạo, Dương Văn An… gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Một số nơi trên địa bàn huyện Quảng Trạch như các thôn Trung Tiến, Long Châu, Trường Xuân, Trường Sơn, Hậu Thành của xã Phù Hóa nước dâng ngập đường giao thông và vườn nhà dân từ 0,5-1mét.
Đặc biệt, đập tràn Rào Sau là con đường giao thông độc đạo của hơn 4.000 người dân xã Phù Hóa qua quốc lộ 12 cứ vào mùa mưa lũ nước dâng nhanh, chảy xiết và gây ngập lụt cục bộ; các điểm thấp trũng ở xã Quảng Thanh, đường dẫn vào Ủy ban nhân dân xã Quảng Lưu cũng bị ngập nhẹ. Mưa to khiến mực nước các sông Nhật Lệ (thành phố Đồng Hới), Kiến Giang (huyện Lệ Thủy), sông Son và sông Lý Hòa (huyện Bố Trạch)… nước dâng nhanh.
Tại huyện miền núi Minh Hóa, mưa lớn và nước dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập và cô lập. Chiều tối ngày 10/10, thôn Kim Bảng ở xã Minh Hóa, xã Tân Hóa, đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa bị cô lập do mưa lớn gây ngập; các bản làng trên tuyến đường vào bản Lòm ở xã Trọng Hóa cũng bị chia cắt nhiều điểm.
Các ngầm tràn như Lạc Thiện, Thanh Long ở xã Minh Hóa nước dâng cao, chảy xiết gây nguy hiểm cho người và xe cộ qua lại. Học sinh toàn huyện phải nghỉ học do mưa lớn, nước dâng cao.
Ông Đinh Hữu Niên - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, đến sáng 11/10, trên địa bàn huyện vẫn có mưa vừa đến mưa to, tuy nhiên lượng mưa có giảm, nước đang rút nhưng còn chậm. Tại các xã bị ngập như Tân Hóa, Minh Hóa, khu đồng bào Rục… nước cơ bản đã rút, giao thông trở lại bình thường, người dân đang tiến hành dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường sớm tránh dịch bệnh xảy ra khi vào mùa mưa lũ.
Trước diễn biến phức tạp thời tiết, các địa phương của tỉnh Quảng Bình chủ động công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng do mưa lũ gây ra.
Theo ông Trần Quang Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, ngay từ đầu mùa mưa bão, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai của Trung ương và của tỉnh; thường xuyên, thông tin kịp thời về diễn biến tình hình mưa lũ để bà con có phương án chủ động ứng phó, trách xảy ra tình trạng chủ quan; thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, cử cán bộ trực 24/24 đồng thời có mặt tại các địa phương, điểm nguy hiểm, thường xảy ra ngập lụt để cảnh báo người dân không qua lại khi nước lũ dâng cao, nước chảy xiết.
Ở những nơi trũng, thấp, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở như các xã Hưng Trạch, Liên Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch… địa phương cũng đã lên phương án sẵn sàng di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi cao nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, đến sáng 11/10, trên 4.000 tàu thuyền của người dân địa phương đã neo đậu an toàn tại các cảng cá, bến thuyền./.
Tác giả: Võ Dũng
Nguồn tin: bnews.vn