Trường hợp trên là ông Đinh Nê (sinh năm 1933, người A rem, dân tộc Chứt, bản A rem xã Tân Trạch). Theo ông Đại, ông Đinh Nê sinh ra và lớn lên trong hang đá. Sau này nhà nước tổ chức định canh định cư ở cây số 39 đường 20 - Quyết Thắng, ông được hỗ trợ một căn nhà sàn nhỏ. Tuy nhiên, ông chỉ ở nơi ở mới đúng 3 ngày rồi tìm về hang đá để ở.
Ông Đinh Nê trong một hang đá |
Theo ông Đại, có khi một tháng ông trở lại bản 1 ngày nhận gạo muối xong về hang đá, thậm chí ông ở tại hang đá biền biệt 3 đến 6 tháng mới lên nhận muối, gạo một lần.
Theo thống kê của UBND xã Tân Trạch, ông Đinh Nê không ở trong một hang đá nhất định mà hàng chục năm qua ông ở trong 10 cái hang dọc suối Rục Cà Roòng và nhiều thung lũng khác giữa rừng già Phong Nha - Kẻ Bàng. Cùng đó, ông dựng thêm 15 cái lán giữa rừng để sinh sống khi di chuyển từ hang này sang hang khác.
Ông Nê nấu cơm ăn cùng muối |
Thức ăn mà ông Đinh Nê dùng trong hàng chục năm qua chủ yếu cơm cùng muối đâm ớt rừng, nước suối đun sôi. 91 năm qua ông Nê chưa một lần dùng thuốc tây chữa bệnh, chưa một lần đi bệnh viện. Hiện đã 91 tuổi nhưng việc ông đi rừng, leo trèo qua các ngọn núi đá dựng đứng cứ đi băng băng, thanh niên trong bản đi theo không kịp. Năm 2001 UBND xã Tân Trạch phải cử thanh niên đi tìm trong rừng gần 1 tháng trời mới tìm được ông Đinh Nê về làm căn cước công dân. Tàng thư ghi nhận, các cụ cao niên ở Tân Trạch nói ông Đinh Nê sinh năm 1933 trong hang đá Rục Cà Roòng. Đến nay ông đã 91 năm sống trong hang đá.
Ông Nê tự tạo các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày |
Theo ông Đinh Nê, ông thích ở hang đá vì đó là tập tục ngàn năm, ở đó nghe được sự dạy bảo của tổ tiên trong giấc ngủ. Cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh.
Hiện tại ông Đinh Nê được hưởng trợ cấp mỗi tháng 360.000 đồng tiền người cao tuổi. Số tiền này do vợ con ông Nê nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Đại, ông Nê là một người kỳ lạ trong cách sinh tồn giữa rừng nguyên sinh hàng chục năm qua. Áo quần thì do UBND xã xin từ các nhà tài trợ phát mỗi dịp cuối năm và ông đưa về hang đá sử dụng. Ông không dùng điện thoại, không sử dụng điện. Hiện ông có 2 người vợ, vợ đầu có 5 đứa con và 21 cháu; vợ sau không có con.
Ông Nê là người biết nhiều bài dân ca cổ của người A rem và hiểu về các câu chuyện cổ của văn hóa A rem.
Tác giả: MINH PHONG
Nguồn tin: sggp.org.vn