Tin địa phương

Quảng Bình: Khởi động dự án phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh

Vừa qua, UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp cùng Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao (CEGORN) đã trồng loạt cây đầu tiên, khởi động dự án: Cùng phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh.

Ngày 21/03/2021, tại Bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, dự án Cùng phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh đã được khởi động với loạt cây đầu tiên được trồng. Đến tham dự có đại diện của UBND huyện Tuyên Hóa và bà con người dân tộc Mã Liềng.

Lễ trao thỏa thuận dự án giữa VARS với huyện Tuyên Hóa.

Phát biểu tại lễ khởi động dự án, ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Tuyên Hóa, cho rằng đây là một dự án ý nghĩa: “Huyện Tuyên Hóa, trên 70% là rừng (hơn 95.000ha), trong đó diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm trên 30.000ha, ngoài ra rừng tự nhiên sản xuất, rừng trồng chiếm trên 60.000ha. Hiện nay, rừng tự nhiên chủ yếu là rừng nghèo kiệt, đối với những cánh rừng đầu nguồn ngoài nghèo kiệt thì người dân triển khai trồng rừng sản xuất, trồng keo, kéo theo đó là hiện tượng xói mòn, sạt lở đất. cụ thể năm 2020 đã có trận lũ lớn gây sạt lở và trôi lở đất. Do đó việc trồng rừng đầu nguồn là một việc làm vô cùng có ý nghĩa.”

Thay mặt người dân bản Kè, Già làng Cao Dụng cho biết: "Chương trình dự án lần này về, trồng cây bản địa là những cây gỗ quý, chúng tôi rất mừng và sẽ cố gắng bảo vệ. Nhưng để làm được thì còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chăm sóc và bảo vệ trước sự phá hoại của trâu bò và sau này là cả con người nữa.”

Ông Cao Dụng, già làng bản Kè phát biểu tại lễ khởi động dự án.

Ngay trong sáng, bà con Mã Liềng đã cùng các thành viên Dự án đã cùng trồng cây bản địa trên phần đất từng là rừng cộng đồng của đồng bào dân tộc Mã Liềng, thuộc xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Dự kiến, tới ngày 10/04/2021, VARS sẽ cùng bà con trồng xong 8,3 hecta đầu tiên.

Theo yêu cầu và mong muốn của cộng đồng người Mã Liềng cũng như UBND xã Lâm Hóa, dự án bắt đầu tại Bản Kè. UBND xã Lâm Hóa, Ban quản lý Rừng cộng đồng Bản Kè, Hạt Kiểm lâm huyện và trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) đã cùng ký biên bản nhất trí.

Người dân và các thành viên dự án đã cùng trồng cây vào sáng ngày 21/03.

Ngày 17/03/2021, UBND huyện Tuyên Hóa đã ra thông báo kết luận của Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Cao Xuân Tín: “Chương trình tài trợ và phục hồi rừng bằng cây bản địa giai đoạn 2021 - 2030 của VARS là một chương trình thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên trên địa bàn”. UBND huyện đồng ý và ủng hộ VARS trồng 100 hecta rừng trong năm 2021, bắt đầu từ 8,3 hecta ở Bản Kè, cùng đồng bào Mã Liềng khôi phục rừng cộng đồng.

Mục tiêu chính của Dự án “Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh” là vận động cộng đồng đóng góp để trồng các loài cây bản địa, gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên với khoản đóng góp là 50.000 đồng/cây xanh. Ngoài việc trực tiếp trồng rừng, Chương trình còn có tham vọng phát triển ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.

Những năm qua, nhiều chuyên gia lâm sinh và chính sách bảo vệ rừng đã khảo sát thực địa, tiếp xúc với bà con, đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số ở những vùng rừng bị phá, nhiều nơi, bà con nhận ra, việc trồng và khôi phục rừng tự nhiên không những có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn mang lại cho họ nhiều lợi ích như: khai thác lâm sản ngoài gỗ, nuôi ong, lấy mật ong rừng và bảo vệ không gian sinh tồn của cộng đồng.

Tác giả: Khánh Trinh

Nguồn tin: nguoilambao.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP