Người dân xã Thượng Hóa đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch |
Nước sạch khan hiếm
Theo tìm hiểu, toàn xã Thượng Hóa vẫn chưa có hệ thống cung cấp nước sạch, dân cư ở đây hầu hết sử dụng nước giếng đào hoặc nước lấy từ khe về. Những nguồn nước này không đảm bảo an toàn bởi hàm lượng phèn và đá vôi luôn ở mức cao.
Thôn chịu ảnh hưởng nặng nhất do nước bị nhiễm bẩn ở xã Thượng Hóa là Phú Nhiêu. Thôn Phú Nhiêu có tổng cộng 186 hộ với 805 nhân khẩu. Hầu hết những hộ dân này sử dụng nước giếng đào. Việc đào giếng cũng gặp nhiều khó khăn do nằm ngay cạnh núi đá vôi.
Theo người dân, cứ đào xuống 2- 3 m là lại gặp đá, nhà nào may mắn thì cũng chỉ đào sâu đến được 4- 5 m. Vào mùa khô thì mực nước xuống thấp, nhiều giếng xuất hiện tình trạng lớp váng màu đục và vàng nổi kín mặt giếng.
Đến giếng nhà chị Nguyễn Thị T. (thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa), chúng tôi nhận thấy nước đã bị nhiễm phèn nặng, nước bơm từ dưới giếng lên có màu đỏ nhạt, phải để lắng một thời gian thì mới sử dụng được...
Sử dụng giếng đào để phục vụ cuộc sống |
“Khổ lắm chú ơi, không có nước sạch mà dùng, cứ dùng nước bẩn này ai chịu mãi đây...”- chị T. bức xúc chia sẻ.
Ông Đinh Xuân Hiểu- Bí thư Chi bộ thôn Phú Nhiêu cho biết, hầu hết các giếng trong thôn đều xuất hiện tình trạng lớp váng tại cái giếng rất dày và dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Có giếng thì nổi lên lớp váng màu hơi đỏ nghi là phèn, có giếng thì xuất hiện lớp váng màu đục như nước đá vôi...
“Hầu như tất cả các hộ dân trong thôn nhà nào cũng phải có một bình chứa để lắng nước đá vôi, nhà nào có điều kiện thì họ mua thêm bình lọc bằng than hoạt tính, còn nhà nào không có thì họ bơm nước trực tiếp từ giếng lên bể lắng rồi sau đó dùng luôn...”- ông Hiểu cho hay.
Nguồn nước bị nhiễm phèn khiến trên mặt giếng xuất hiện lớp vàng màu đục |
Làng ung thư
Không chỉ khan hiếm nước sạch, thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa) còn được mệnh danh là làng ung thư bởi lẽ chỉ trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây đã có hơn 30 người chết vì căn bệnh quái ác này.
Số người chết vì căn bệnh ung thư rơi vào độ tuổi trung niên. Những căn bệnh ung thư thường gặp là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vòm họng và mắc một số căn bệnh khác về gan như viêm gan B, xơ gan...
Người dân ở đây cho rằng một phần mắc bệnh như trên là do họ sử dụng nguồn nước bẩn lâu ngày nên chất độc dần tích tụ, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo thống kê sơ bộ của ông Đinh Xuân Hiếu, trung bình mỗi năm trong thôn có khoảng 3 người chết vì bệnh ung thư, mà đa số đều mắc bệnh ung thư gan. “Số người dân trong thôn mắc bệnh ung thư tăng bất thường từ năm 2005, đỉnh điểm nhất là vào năm 2015, cả thôn có tới 5 trường hợp chết vì ung thư gan...”- ông Hiếu cho hay.
Đa số các gia đình đều có một bể lắng nước, nhà nào có điều kiện thì sắm thêm bình lọc than hoạt tính... |
Nhiều người cao niên trong thôn kể lại rằng, vào thời kháng chiến chống Mỹ, trong thôn có một kho xăng dầu trong hang núi đá vôi và rất nhiều hệ thống ống dẫn dầu chạy qua. Chiến tranh kết thúc, kho xăng dầu này không còn được sử dụng nhưng trong đó còn rất nhiều xăng dầu. Họ cho rằng có thể lượng dầu đó bị rò rỉ, thấm vào lòng đất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Cứ đến mùa khô, những khe suối quanh khu vực này đều xuất hiện nguồn nước nhiễm phèn, có mùi xăng rất khó chịu...
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Giáo- Phó chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết, người dân thôn Phú Nhiêu và các thôn khác đã phải sử dụng nguồn nước kém an toàn trong nhiều năm nay. Hiện tại toàn xã vẫn chưa có hệ thống cung cấp nước sạch, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng đào là chính...
“Nguồn nước tại các thôn trên địa bàn xã đang bị nhiễm phèn và đá vôi rất nặng. Xã cũng chỉ biết vận động bà con phải lắng, lọc nước giếng trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Việc khảo sát và đề xuất lên cấp trên xã cũng đã tiến hành nhiều rồi. Mặc dù đã có đề án xây dựng một khu xử lí nước sạch phục vụ cho bà con, tuy nhiên mức đầu tư quá lớn, ngoài kinh phí của xã nên vẫn chưa thể thực hiện được...”- ông Giáo thông tin.
Tác giả: Văn Dinh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường