Tin địa phương

Quảng Bình: Hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư khu đô thị ven sông

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định về việc phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm đối với nhà đầu tư dự án Khu đô thị mới Lương Ninh.

Dự án Khu đô thị mới Lương Ninh được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 1857/QĐ-UBND ngày 7/7/2023.

Dự án sẽ được thực hiện tại xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh với vị trí xác định: Phía Đông tiếp giáp khu dân cư và Quốc lộ 1A; phía Tây giáp sông Lệ Kỳ và lô đất thương mại dịch vụ; phía Nam giáp đường giao thông quy hoạch rộng 25 m và lô đất thương mại dịch vụ; phía Bắc cũng tiếp giáp đoạn sông Lệ Kỳ và kênh thủy lợi.

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 1.131 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện vào khoảng 1.061 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư 70 tỷ đồng.

Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 350.800 m2. Về hiện trạng khu đất bao gồm đất chuyên trồng lúa nước, đất nuôi trồng thủy sản, đất bằng trồng cây hàng năm khác, đất thương mại dịch vụ, đất ở nông thôn… do hộ gia đình, cá nhân sử dụng hoặc do UBND xã Lương Ninh quản lý.

Khu vực ven sông Lệ Kỳ, nơi dự án được quy hoạch thực hiện. Ảnh: Ngọc Tân

Mục tiêu dự án nhằm hình thành khu đô thị mới, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Quy mô đầu tư dự án gồm phần công trình hạ tầng kỹ thuật, phần công trình thương mại dịch vụ, phần công trình hạ tầng xã hội và phần công trình nhà ở.

Trong đó, với công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu vực thực hiện dự án (không bao gồm phạm vi đầu tư tuyến đường Phú Hải - Lương Ninh).

Phần công trình thương mại dịch vụ, dự án sẽ đầu tư xây dựng 2 công trình thương mại dịch vụ dự kiến 3 tầng, diện tích sàn xây dựng khoảng 19.032 m².

Và phần công trình hạ tầng xã hội, dự án sẽ xây dựng công trình văn hóa, thể thao; công trình y tế; công trình trường mầm non; sân chơi, thể dục thể thao.

Với phần công trình nhà ở, dự án sẽ hình thành khoảng 761 lô đất ở. Trong đó, xây thô, hoàn thiện mặt ngoài khoảng 139 căn nhà ở liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh. Xây thô, hoàn thiện mặt ngoài khoảng 74 căn nhà ở biệt thự song lập. Quỹ đất ở được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà ở khoảng 464 lô đất. Quỹ đất ở phục vụ đền bù, tái định cư khoảng 84 lô đất ở.

Tại quyết định về việc phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm đối với nhà đầu tư dự án, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu nhà đầu tư phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, kinh doanh bất động sản, phòng cháy, chữa cháy, … và các quy định của pháp luật có liên quan.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, dự án thuộc trường hợp phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; lập hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Do vậy, nhà đầu tư quan tâm cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đăng ký thực hiện dự án.

“Nhà đầu tư quan tâm cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đăng ký thực hiện dự án. Và khi đăng ký thực hiện dự án có nghĩa rằng đã chấp nhận các rủi ro có thể xảy ra khi không được cấp có thẩm quyền chấp thuận/phê duyệt các nội dung liên quan đến chuyển đổi đất lúa, vấn đề bảo vệ môi trường và không khiếu kiện bồi hoàn kinh phí trong trường hợp này”, UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Về năng lực kinh nghiệm, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 170 tỷ đồng và có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự trong lĩnh vực khu đô thị, nhà ở thương mại, trụ sở văn phòng làm việc, công trình thương mại dịch vụ, công trình dân dụng có nhiều công năng.

Trong đó, nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh, hoặc đối tác cùng đăng ký thực hiện dự án đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu của 1 dự án tương tự trong vòng 7 năm trở lại đây có tổng mức đầu tư tối thiểu 566 tỷ đồng (nhà đầu tư đã góp vốn chủ sở hữu với giá tối thiểu 85 tỷ đồng).

Trường hợp khác, nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh, hoặc đối tác cùng đăng ký thực hiện dự án đã tham gia với vai trò nhà thầu chính xây lắp của dự án tương tự trong vòng 5 năm trở lại đây có giá trị tối thiểu 319 tỷ đồng.

Được biết, dự án Khu đô thị mới Lương Ninh do Công ty cổ phần 873 - Xây dựng công trình giao thông (trụ sở đăng ký tại Số 346 - Nguyễn Trãi, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đề xuất.

Tác giả: Ngọc Tân

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP