Tin địa phương

Quảng Bình gồng mình tái thiết sau trận ''đại hồng thủy'' lịch sử

Mưa bão, lũ lụt đã làm xáo trộn và đẩy cuộc sống của nhiều người dân Quảng Bình rơi vào cảnh trắng tay, kiệt quệ; nhiều ngôi trường bị hư hỏng nặng khiến hàng nghìn học sinh chưa thể đến trường.

Nước lũ làm sập nhà, cuốn trôi tài sản, hoa màu của một gia đình ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Đã gần 2 tuần sau khi trận “đại hồng thủy” xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cơn lũ lịch sử này đi qua để lại những nỗi đau xé lòng của những gia đình mất đi người thân trong mưa lũ; cảnh tượng tan hoang với những ngôi nhà đổ nát, những hàng cây trơ trọi, vương vãi đủ thứ rác và bùn khô.

Càng xót xa khi sau lũ, rất nhiều trường học tại đây bị sập đổ, hư hỏng nặng nề khó mà khắc phục để đón học sinh trở lại trường.

Mưa bão, lũ lụt đã làm xáo trộn và đẩy cuộc sống của nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, kiệt quệ. Khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Trận lũ vừa qua, huyện Lệ Thủy được xem là vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Bình.

Tại Lệ Thủy, mưa lũ đã làm 2 người chết, trên 32.000 ngôi nhà bị ngập, hơn 140 nhà bị sập và hư hỏng nặng. Đặc biệt, địa bàn các xã An Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy, Sơn Thủy, Hồng Thủy, Thanh Thủy, Lộc Thủy, thị trấn Kiến Giang… của huyện bị ngập sâu từ 1,5m đến hơn 3m.

Nước lũ rút, người dân tất tả, khẩn trương triển khai công tác khắc phục; các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các "mạnh thường quân" luôn quan tâm đồng hành.

Tuy nhiên, thiệt hại mà trận lũ gây ra rất lớn, khối lượng công việc cần khắc phục quá nhiều.

Những người dân vùng quê xứ Lệ vốn lam lũ, khổ cực đang phải gồng mình, nỗ lực gấp đôi để tái thiết lại cuộc sống và các hoạt động sản xuất.

Mưa lũ đi qua cuốn trôi ngôi nhà nhỏ cấp 4 của vợ chồng anh Đỗ Văn Nhuận ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Chỉ sau một đêm, trận “đại hồng thủy” đã đánh sập toàn bộ ngôi nhà và cuốn phăng những tài sản quý giá của vợ chồng anh Nhuận.

Đứng thẫn thờ bên đống gạch ngói đã vỡ vụn, anh Nhuận nói trong buồn bã: “Bao năm tằn tiện, làm việc cật lực mới dựng được ngôi nhà nhỏ cho vợ con che mưa che nắng, giờ không còn gì nữa…”

Chị Đinh Thị Lệ, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình nói trong nước mắt: “Nhà sập hết. Mấy hôm nay, vợ chồng tôi phải bồng bế con qua ở nhờ nhà người thân. Bình thường, chồng tôi đi phụ hồ, tôi ở nhà may vá kiếm thêm đôi đồng ít ỏi để phụ chồng. Tằn tiện lắm, gia đình cũng chỉ đủ ăn và con đi học, vốn liếng không có nên giờ biết lấy đâu ra tiền để xây lại nhà.”

Với anh Ngô Thanh Hương, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trận lũ đã “cướp” đi của gia đình anh hàng ngàn con gà, vịt và lợn, thiệt hại hơn 300 triệu đồng.

Nguồn sinh kế duy nhất để vợ chồng anh Hương trang trải cuộc sống và nuôi ba người con ăn học giờ đã không còn.

Anh Hương kể lại, đêm 18/10, nước lũ cuồn cuộn đổ về, dâng cao ngập lụt các ngã đường, tràn vào nhà và trang trại chăn nuôi.

Vợ chồng anh đã cố gắng huy động người thân hỗ trợ di dời đàn vật nuôi lên đồi cát gần nhà để tránh trú nhưng lũ tràn về quá nhanh và bất ngờ, anh Hương chẳng kịp trở tay.

“Thời điểm đó, số lượng đàn gia cầm và lợn bị mắc kẹt trong chuồng còn quá nhiều.Tuy nhiên, nước lũ lên cao hơn 1m và bao vây ngập bốn phía, tôi không thể làm gì được nữa. Bây giờ, gà, vịt, lợn không còn; chuồng trại cũng hư hỏng nặng. Toàn bộ vốn liếng, tài sản, tâm huyết của vợ chồng tôi dồn cả vào đấy nhưng giờ đã mất hết…" anh Hương bộc bạch.

Tại Quảng Bình, trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã nhấn chìm gần 110.800 nhà dân. Đặc biệt, ngành Giáo dục địa phương cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Người dân phơi khô thóc đã lên mầm do nhiều ngày ngâm trong nước lũ. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Toàn tỉnh có tới 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước. Cơ sở vật chất, sách, vở, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh…bị hư hỏng, trôi dạt theo mưa lũ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 370 tỷ đồng.

Trận lũ lịch sử đã trôi qua nhiều ngày nhưng đến nay, điểm Trường Mầm non thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy chưa thể đón trẻ trở lại bởi toàn bộ bức tường che chắn các phòng học đã bị đổ sập và có nguy cơ sụt lún tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ cũng như khung chương trình dạy học, nhà trường đã lên phương án đón 170 cháu tại điểm trường Đại Phong về học tập trung tại điểm trường chính ở thôn Thượng Phong.

Theo lãnh đạo nhà trường, việc ghép trẻ về một điểm trường cũng gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất thiếu thốn, số lượng trẻ trong mỗi lớp tăng nên việc chăm sóc, dạy dỗ của giáo viên cũng vất vả hơn. Mặt khác, phụ huynh ở điểm trường lẻ phải di chuyển xa hơn khi đưa đón trẻ đến học tại điểm trường trung tâm.

Cô giáo Lê Thị Hoài Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Thủy chia sẻ, hiện nền nhà tại trường không những có dấu hiệu sụt lún mà trần nhà cũng bị rạn nứt, nghiêng đổ và có khả năng sập bất cứ lúc nào. Vì thế, ngành Giáo dục địa phương yêu cầu cán bộ, giáo viên và trẻ không được vào bên trong trường học để đảm bảo an toàn.

Tình hình thiệt hại như vậy, phải mất một thời gian rất dài mới có thể sửa chữa khắc phục được.

Cô Hồ Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết, hiện tại điểm trường thôn Mỹ Đức của nhà trường chưa thể đón học sinh trở lại trường.

Bàn ghế, vật dụng dạy học không còn, hệ thống cửa sổ, cửa chính tại tầng một của điểm trường đã bị lũ đánh sập và cuốn trôi. Học sinh và cả giáo viên không thể duy trì hoạt động dạy học tại điểm trường này.

Trước đây, hơn 600 học sinh được phân bổ học tại hai điểm nay phải bố trí về một điểm. Các em di chuyển từ điểm trường lẻ đến điểm trung tâm để học xa quá.

Để hỗ trợ học sinh điểm trường lẻ, các cô giáo đã tự đóng góp nguồn lực, thực phẩm, đồ ăn tổ chức ăn bán trú tạm thời cho các em đến từ điểm trường lẻ ở lại buổi trưa tại trường.

Nhà trường mong rằng ngành Giáo dục địa phương và các mạnh thường quân tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí để nhà trường sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, sớm ổn định công tác dạy học.”

Thiệt hại mà trận mưa lũ gây ra cho Quảng Bình là hết sức nặng nề và phải mất nhiều thời gian mới có thể tái thiết lại được.

Những ngày qua, chính quyền và người dân nơi đây được tiếp thêm nhiều năng lượng và động lực bởi rất nhiều đồng bào trong và ngoài nước đã cùng chung tay hướng về Quảng Bình - khúc ruột miền Trung, nơi “đòn gánh hai đầu” đất nước.

Khó khăn chắc chắn sẽ nhiều, với sự quyết tâm, đồng sức đồng lòng của lãnh đạo địa phương, chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng rất lớn của nhân dân và sự đồng hành, sẻ chia của toàn thể cộng đồng, vùng đất và con người Quảng Bình sẽ nhanh chóng phục hồi từ sau thiên tai, khốn khó./.

Tác giả: Võ Dung

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP