Trên con đường làng ngoằn ngoèo xa tít, hai bên đường cỏ dại mọc chi chít dẫn chúng tôi tìm đến phía cuối ngõ là ngôi nhà tuềnh toàng cấp bốn trú tại thôn 3, xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi đây từng là tiếng cười đùa hạnh phúc của gia đình chị Nguyễn Thị Thuấn và anh Nguyễn Văn Tuấn.
Chị Nguyễn Thị Thuấn và anh Nguyễn Văn Tuấn cả hai anh chị đều sinh ra và lớn lên tại xã Lâm Trạch một xã miền núi khó khăn của huyện Bố Trạch. Anh chị nên duyên chồng vợ và có với nhau bốn người con. Dù đông con, gia đình khó khăn vất vả nhưng anh chị cũng cố gắng làm lụng để nuôi các con ăn học. Hai đứa con gái đầu của anh chị nay đã lập gia đình, cháu Nguyễn Văn Tiến học hết cấp 3 (sinh năm 1996) học hết cấp 3 thì nghỉ học, Nguyễn Văn Thành chỉ học hết lớp 9 rồi phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Chị Thuấn cùng người con trai bị bại não. |
Trong 4 người con, thì cháu Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1996 từ nhỏ đã mắc chứng bệnh động kinh đau ốm triền miên. Mặc dù vậy, Tiến vẫn cố gắng vượt qua bệnh tật để học hành và làm việc để phụ giúp bố mẹ. Học hết cấp ba, cháu ở nhà phụ ba mẹ việc đồng áng và làm thuê để kiếm tiền. Anh chị vui mừng vì thấy con đã khỏe mạnh, có thể giúp anh chị được mọi việc. Thế nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài không được bao lâu thì đã vội dập tắt.
Vào năm 2015, Tiến bị một trận ốm nặng kéo dài, gia đình lo lắng đã đưa cháu vào Bệnh viện Trung ương Huế khám, bác sỹ chẩn đoán bị sẹo hẹp khí quản khó thở và hay ngất. Bác sỹ cho nhập viện để điều trị và mổ cho Tiến, thấy bệnh tình của cháu có đỡ hơn gia đình cho cháu về nhà và mua thuốc điều trị tại nhà. Sau khi về nhà được 1 tháng thì bệnh tình của cháu lại tái phát.
Gia đình lại tất tả đưa cháu vào Bệnh viện Trung ương Huế lần 2. Lúc vào viện cháu bị khó thở rồi hôn mê, và sau đó các bác sĩ kết luận cháu bị bại não, phải sống đời sống thực vật. Điều trị cho cháu được một thời gian thì gia đình đành bất lực đưa cháu về vì không còn đủ điều kiện, mặc dù bệnh tình của cháu vẫn chưa thuyên giảm.
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ được xây từ lâu, và không có vật dụng gì đáng giá. |
Chị Thuấn nói với chúng tôi trong nước mắt: “Ngay khi được bác sỹ cho biết cháu bị liệt và phải sống đời sống thực vật, anh chị rất thương con đành quặn lòng đưa con về quê. Ở cái tuổi ăn học, bạn bè cùng trang lứa được vui đùa khỏe mạnh, được làm việc và lập gia đình, thì con tôi lại mắc chứng bệnh hẹp đường thở dẫn đến liệt não và sống đời sống thực vật”.
Anh chị đều sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã thuộc diện khó khăn nhất nhì của huyện, cuộc sống chỉ đủ ăn qua ngày chứ không dư giả gì.
Khi Tiến đau ốm, gia đình cố gắng chữa trị, bao nhiêu tài sản có giá trị trong nhà đã phải bán để có tiền chạy chữa, đồng thời anh chị cũng phải vay mượn thêm bà con lối xóm để có tiền chữa trị cho con. Hàng tháng, tiền thuốc men của cháu lên đến hàng triệu đồng đã khiến gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Họa vô đơn chí, tai họa lại ập xuống không buông tha cho gia đình anh chị. Khi cmẹ của Tiến - người luôn túc trực chăm sóc cháu ăn uống, vệ sinh lại phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp.
Chị Thuấn phát hiện mình bị bệnh vào cuối năm 2015, nhưng khi đó gia đình được bao nhiêu tiền đều đổ dồn để chữa trị cho Tiến nên chị đành chịu những cơn đau hành hạ chứ không dám đi khám và điều trị, được vài tháng thì căn bệnh ung thư của chị bị di că, những cơn đau ngày cành hành hạ chị nên gia đình đành phải vay mượn khắp nơi để đưa chị đi điều trị tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội (Hà Nội).
Hiện nay, chị đang phải điều trị bằng phương pháp phóng xạ và cứ 3 tháng thì phải đi Hà Nội tái khám 1 lần. Miếng ăn đã khó bây giờ phải lo thêm thuốc thang cho hai mẹ con khiến gia đình anh chị đã rơi vào ngõ cụt đầy tuyệt vọng.
Giấy hẹn khám bệnh của chị Thuấn. |
Giờ đây mọi gánh nặng trong gia đình đè lên đôi vai của người chồng, người cha trụ cột chính trong gia đình. Anh Tuấn hằng ngày đi làm thuê làm mướn ai kêu gì làm nấy để có tiền chạy chữa cho vợ và con, nhưng cũng đành bất lực trước những số tiền điều trị quá lớn.
Anh Tuấn, người đàn ông vốn chai sạn với những nỗi đau, vất vả, khổ triền miên, không hiểu vì sao đời mình lại khổ như thế. Dường như đã bất lực trước hoàn cảnh gia đình và cũng đã vay mượn quá nhiều nên giờ anh cũng không biết phải làm thế nào để giúp vợ con.
Anh Tuấn mắt đỏ hoe nói với tôi: “Gia đình tôi khổ quá rồi, ông trời có muốn đầy đọa thì đày đọa cái thân già này tôi xin cam chịu hết, chứ sao để vợ con tôi phải gánh chịu đau đớn như vậy. Anh chị có cách gì giúp gia đình tôi vượt qua cơn hoạn nạn này, chứ nhìn vợ con bị những cơn đau hành hạ như vậy tôi không biết phải làm sao”.
Ông Nguyễn Sỹ Phúc, Chủ tịch xã Lâm Trạch cho biết: “Gia đình bà Thuấn rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, con cái và bà Thuấn đau ốm liên miên. Chính quyền xã và các UBMT đã hỗ trợ cho gia đình, nhưng đây là xã nghèo kinh phí còn hạn hẹp nên không hỗ trợ được nhiều. Chính vì vậy, tôi rất mong nhà hảo tâm tạo điều kiện giúp đỡ gia đình bà Thuấn có kinh phí chữa bệnh cho con trai và bà để gia đình bà vượt qua khó khăn”.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh chị, trên chiếc giường ọp ẹp, chăn màn cũ kỹ, chàng trai mới ngoài hai mươi tuổi co quắp đôi tay, đôi chân teo tóp, người nhỏ thó như một cậu bé lên 7 tuổi. Việc ăn uống của Tiến phải ăn bằng đường ống bơm thức ăn và vệ sinh phải có người phục vụ.
Rời khỏi căn nhà nhỏ khuất sau rặng cây, chia tay với gia đình anh Tuấn chị Thuần, chúng tôi cứ bị ám ảnh mãi hình ảnh cậu thanh niên khuôn mặt hốc hác, thân hình gầy gộc ấy, chỉ ước có một phép màu nào đó để giúp đỡ gia đình anh chị vơi bớt nỗi khó khăn này.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Nguyễn Thị Thuấn, thôn 3, xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. ĐT: 01239875613 (chị Thuấn), 01236607924 (anh Tuấn). STK: 040069442198, Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Bố Trạch, Quảng Bình. Tên TK: Nguyễn Thị Gấm (chị gái của Tiến) |
Tác giả: Tuấn Tài – Minh Anh
Nguồn tin: baonhandao.vn