Huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có diện tích rừng lớn, địa hình đồi núi hiểm trở nên việc quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác phòng chống cháy rừng (PCCCR) trong mùa nắng nóng gặp nhiều khó khăn. Theo tập quán của đồng bào miền núi huyện Minh Hóa, thời điểm nắng nóng, mùa khô cũng là lúc nhiều người đi đốt rẫy làm nương. Đây là một trong những nguy cơ lớn về cháy rừng do không kiểm soát được ngọn lửa cháy lan.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng ở tỉnh Quảng Bình |
Ông Hồ Đăm, ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, dân bản nhiều người vẫn còn thiếu ý thức trong sử dụng lửa khi vào rừng khai thác các loại lâm sản. Trước đây, bà con hay phát đốt nương rẫy, đốt ong, xử lý thực bì sau khai thác rừng trồng, nguy cơ cháy rừng rất cao. Ngay từ đầu mùa nắng nóng, cán bộ Kiểm lâm, Chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Theo ông Hồ Đăm, người dân trong xã được giao rừng để quản lý, lập tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ".
“Thực hiện chỉ đạo của Trạm Kiểm lâm và UBND xã, gia đình tôi thời gian qua đã thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng, bản thân và gia đình đã làm tốt và tuyên truyền cho bà con trong xóm, trong tổ bảo vệ rừng thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và bảo vệ rừng.”- ông Hồ Đăm chia sẻ
Bản Ông Tú ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa là nơi thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại tỉnh Quảng Bình. Năm 1994, dự án định canh định cư đã hỗ trợ bản Ông Tú mỗi năm 20 triệu đồng để bảo vệ rừng. Già làng, trưởng bản, Bí thư Chi bộ và người dân bản Ông Tú ngồi lại với nhau xây dựng hương ước giữ rừng. Nội dung hương ước quy định, khi vào rừng đốt ong xong phải dập tắt lửa hoàn toàn, lấy củi không được chặt cây sống, tận thu cành ngọn mà phải lấy củi khô, người dân không được đốt rừng làm nương rẫy, không đốt rẫy, xử lý thực bì gần rừng. Bản còn mời cán bộ xã, cán bộ Kiểm lâm lên tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây và PCCCR.
Lực lượng kiểm lâm cùng lực lượng chức năng, cộng đồng dân cư kiểm soát, bảo vệ rừng mùa khô |
Anh Hồ Thay, ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh được dân bản bảo vệ, phát triển tốt, chưa xảy ra vụ cháy nào ở khu vực rừng được dân bản Ông Tú bảo vệ. Tuy rừng gần như thế nhưng không ai dám tự tiện khai thác. Nếu gia đình nào có việc cần dùng tới gỗ thì phải “đăng ký”. Sau đó, bản tổ chức họp dân, thống nhất chọn và xin ý kiến cơ quan chức năng. Còn những cây bản không cho phép mà dân tự ý chặt thì sẽ bị phạt theo hương ước. Theo anh Hồ Thay, hương ước cũng quy định phòng cháy chữa cháy rừng, ai không tuân thủ theo quy định hoặc làm cháy rừng thì sẽ bị phạt nặng.
Anh Hồ Thay cho biết: “Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng đã có nhiều sự kế thừa truyền thống của cha ông thế hệ trước trong hương ước giữ rừng. Người dân bản Ông Tú nhận thức rõ vai trò, vị trí của rừng rất quan trọng trong đời sống của người dân, không tự ý chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy gần khu vực rừng, không phá rừng và bảo vệ rừng chính là bảo vệ đời sống của người dân.”
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng |
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm cấp huyện, trạm Kiểm lâm các vùng phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong PCCCR. Lực lượng Kiểm lâm tham mưu chính quyền địa phương cấp xã, các chủ rừng tăng cường kiểm tra rừng tại các khu vực rừng giáp ranh, khu vực biên giới trong thời điểm nắng nóng. Ông Nguyễn Văn Thế, Trạm phó Trạm Kiểm lâm La Trọng, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, lực lượng Kiểm lâm chủ động ngăn chặn, không cho người dân vào rừng hoạt động trái phép, tăng cường tuần tra kiểm soát 24/24 đối với các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy.
“Vào mùa nương rẫy của bà con thì hướng dẫn bà con xử lý thực bì, trước khi xử lý thực bì phải dọn dẹp toàn bộ thực bì đảm bảo an toàn. Người dân trước khi xử lý thực bì phải báo cáo chính quyền, kiểm lâm địa bàn. Để khi đốt thực bì nếu xảy ra cháy rừng, lửa lan ra khỏi tầm kiểm soát thì kiểm lâm nắm bắt nhanh, huy động lực lượng tại chỗ cùng lực lượng chức năng tham gia dập lửa, hạn chế thấp nhất khi có cháy rừng xảy ra.”- ông Nguyễn Văn Thế cho biết.
Tuần tra kiểm soát vùng rừng có nguy cơ xảy ra cháy |
Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 144 ngàn héc ta rừng đặc dụng, hơn 151 ngàn héc ta rừng phòng hộ và gần 320 ngàn héc ta rừng sản xuất. Đây là địa phương nằm trong top đầu có diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lớn. Tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ rừng ứng trực 24/24 tại các chòi canh và tại thực địa ở những vùng trọng điểm cháy rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát trong những ngày nắng nóng. Trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng phải lấy phương châm phòng là chính, Kiểm lâm chỉ đạo các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng sát thực tế của địa phương, đơn vị và bảo đảm chủ động lực lượng, phương tiện, hậu cần chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Năm nay tình hình nắng nóng diễn biến phức tạp, việc phòng cháy chữa cháy phải hết sức lưu ý. Tỉnh đã mở Hội nghị phòng chống, chữa cháy rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng. Đi liền đó là nhiệm vụ tập trung tăng cường các biện pháp quản lý rừng, đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng và ngăn chặn phá rừng."- ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu rõ./.
Tác giả: Thanh Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV