Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 tại TP. HCM. Ảnh: Lê Thành Toàn |
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, Việt Nam có 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 800 doanh nghiệp FDI, chủ yếu có doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu tại 140 thị trường khác nhau trên thế giới và nhập khẩu gỗ tròn, xẻ, để chế biến tạo giá trị gia tăng xuất khẩu. Về sản phẩm từ gỗ, trước đây, Việt Nam gia công mẫu mã theo nước ngoài, còn bây giờ đã tự tạo được mẫu mã.
Theo ông Hoài, Quảng Bình có cảng biển phát triển, giá thuê mặt bằng ưu đãi, logistics thuận tiện, có điều kiện kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư… là những tiền đề quan trọng để đưa ngành gỗ phát triển.
Theo đánh giá của ông Hoài, dù tài nguyên rừng giàu có, cung cấp số lượng lớn gỗ quý hiếm cho cả nước, nhưng thu nhập của người dân Quảng Bình từ rừng còn rất kiêm tốn.
Ông Hoài cho biết, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) sẽ đồng hành cùng với tỉnh mời gọi nhà đầu tư (cả nguồn vốn đầu tư trong nước và FDI) để phát triển ngành gỗ của địa phương. Trong đó, ông Hoài nhấn mạnh, Quảng Bình cần kiên quyết làm chứng chỉ rừng bền vững. Ông Hoài mong các nhà đầu tư ở phía Nam về với người dân nghèo khó Quảng Bình, giúp người dân vượt khó, vươn lên làm giàu từ ngành gỗ.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Quảng Bình có tiềm năng lớn để đầu tư bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng.
“Chúng tôi đã mời 20 tập đoàn, doanh nghiệp tham dự Hội nghị xúc tiền đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 tại TP.HCM lần này và mời gọi họ đầu tư vào Quảng bình”, ông Châu cho biết.
Ông Châu đánh giá, Quảng Bình có nhiều tiềm năng hội tụ, đặc biệt là nằm trên con đường di sản miền Trung.
Ông Jean-Jacques Boufet, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Thành Toàn |
“Việc tỉnh Quảng Bình đưa ra cam kết không hình sự hóa quan hệ dân sự, đã giúp chúng tôi yên tâm đầu tư vào Quảng Bình. Hội trường Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 tại TP.HCM kín chỗ. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc đầu tư tại Quảng Bình.
Chúng tôi tin Quảng Bình sẽ thu hút được nhà đầu tư đến đầu tư du lịch nghĩ dưỡng, khu vui chơi, giải trí… Với niềm tin đó, Quảng Bình không phải đặt mục tiêu thu ngân sách 6.000 tỷ đồng trong năm 2022, mà có thể tự tin vượt con số 10.000 tỷ đồng. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đầu tư bất động sản du lịch và bất động sản công nghiệp, vì đây là lĩnh vực thế mạnh mà chúng tôi có thể đầu tư tại Quảng Bình”, ông Châu chia sẻ và đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư tại tỉnh.
Phát biểu về tình hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, Quảng Bình có nhiều điều kiện, thích hợp đầu tư mô hình khu công nghiệp mới như khu công nghiệp sinh thái.
Còn ông Jean-Jacques Boufet, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, việc tỉnh Quảng Bình tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư tại châu Âu.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Thành Toàn |
Đặc biệt, ông Jean-Jacques Boufet đánh giá, Quảng Bình là vùng đất có nhiều thế mạnh về du lịch. Ông hy vọng thời gian đến, giữa Sở Du lịch Quảng Bình và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam kết nhiều biên bản ghi nhớ, để kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp này.
“Sở Du lịch Quảng Bình có thể trao đổi thông tin khác nhau, như các phương pháp quản trị điều hành, tư vấn sản phẩm du lịch mới cho du khách tại Châu Âu. Chúng tôi sẽ mời gọi nhà đầu tư châu Âu đến với Quảng Bình”, ông Jean-Jacques Boufet nhấn mạnh.
Tác giả: Linh Đan
Nguồn tin: Báo Đầu tư