Cục Thuế Quảng Bình thường xuyên công khai danh sách DN nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Được biết, trước đó tháng 6/2018, Cục Thuế Quảng Bình cũng đã công khai danh sách 400 DN còn nợ trên 370 tỷ đồng tiền thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
Chia sẻ với phóng viên về công tác thu hồi nợ thuế, đại diện Cục Thuế Quảng Bình cho biết, tính đến tháng 10/2018, đơn vị đã thu hồi được 180,1 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế, bằng 56% số tiền thuế nợ có khả năng thu tại thời điểm ngày 31/12/2017 chuyển sang.
“Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, tính đến ngày 31/10/2018, tổng số tiền thuế nợ đơn vị đang quản lý còn ở mức khá cao so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, nợ có khả năng thu là 245 tỷ đồng, bằng 7,2% tổng dự toán thu ngân sách được giao”, ông Quyền nhấn mạnh.
Theo danh sách nợ thuế Cục Thuế Quảng Bình vừa công khai, dẫn đầu DN có số nợ thuế lớn là: Công ty CP Khai thác sản xuất bột đá chất lượng Cao Linh Thành Quảng Bình, mã số thuế 3100487738 nợ trên 48,9 tỷ đồng; Công ty CP Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosevco 1, mã số thuế 3100279784 nợ trên 47,7 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Quảng Bình, mã số thuế 3100289158 nợ trên 26,7 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại dịch vụ Kim Tự Tháp, mã số thuế 3100473982 nợ trên 11,3 tỷ đồng; Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long, mã số thuế 3100653079 nợ trên 10,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam, mã số thuế 3100589835 nợ trên 9,9 tỷ đồng... |
Lý giải về số nợ thuế tăng cao, ông Quyền cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan còn do nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm, do đó, công tác thu hồi nợ thuế chưa đáp ứng kế hoạch đề ra.
Đề cập về giải pháp thu hồi nợ thuế hai tháng cuối năm, ông Quyền cho biết, để giảm nợ đọng xuống mức dưới 5% trên tổng số thu ngân sách theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế Quảng Bình đã quán triệt Chỉ thị số 04/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Công văn số 4080/TCT-QLN của Tổng cục Thuế về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế đến từng cán bộ, công chức đơn vị quản lý.
Cụ thể, Cục Thuế Quảng Bình đã đề ra phương án xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn trình UBND tỉnh chỉ đạo cho ý kiến và trình Tổng cục Thuế phê duyệt. Cùng với đó, Cục Thuế Quảng Bình yêu cầu các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc toàn cơ quan thuế khẩn trương rà soát chi tiết các khoản nợ đọng thuế trên địa bàn quản lý; từng cá nhân xây dựng phương án thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng, giao nhiệm vụ xử lý nợ thuế cho từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng và từng cán bộ tham gia công tác quản lý nợ thuế, gắn việc giao chỉ tiêu xử lý nợ thuế đến từng người nộp thuế (NNT).
Đồng thời, thực hiện phân loại nợ thuế theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế và gắn trách nhiệm của từng công chức được giao nhiệm vụ quản lý nợ trong việc phân loại tiền thuế nợ; nắm chính xác số thuế nợ đọng cũng như nguyên nhân nợ thuế để áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ. Định kỳ thống kê danh sách các DN, tổ chức, cá nhân nợ thuế lớn trên địa bàn, đề xuất giải pháp thu nợ cụ thể đối với từng đối tượng, ban hành đầy đủ thông báo nộp tiền thuế nợ, tiền chậm nộp gửi đến từng DN, NNT để đôn đốc thu tiền thuế nợ, tiền chậm nộp thuế.
Tiếp tục lập danh sách, thực hiện công khai thông tin NNT chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, nhằm lên án mạnh mẽ các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ nợ thuế, không thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Thực hiện kiên quyết các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, ban hành đầy đủ quyết định cưỡng chế đối với người nộp thuế phải cưỡng chế nợ thuế, hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo để thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Cục Thuế cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước và Sở Tài chính của tỉnh, kiểm tra chống thất thu ngân sách, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đối với DN; tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đối với hộ gia đình, cá nhân. Theo dõi, giám sát chặt chẽ thường xuyên việc kê khai thuế, quyết toán thuế của NNT để đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản phải thu phát sinh và thu nợ vào ngân sách, hạn chế tối đa tình trạng nợ mới phát sinh./.
Tác giả: Văn Tuấn
Nguồn tin: Thời báo Tài chính Việt Nam