Điểm sáng muối tre Kosal
Trong báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, vùng sản xuất muối của tỉnh tập trung ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch; đây là địa phương có nghề làm muối truyền thống lâu đời, khu vực làm muối thuộc các thôn Phú Lộc 1, Phú Lộc 3 và Phú Lộc 4.
Tổng diện tích đất sản xuất muối ở xã Quảng Phú là 73,5 ha với 268 hộ sản xuất.
Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã thành lập được Hợp tác xã sản xuất Muối Quảng Phú. Qua đó, hợp tác xã đã hỗ trợ các hộ diêm dân trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản muối và các sản phẩm từ muối, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội của địa phương; hợp tác giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các hợp tác xã và tổ chức, các nhân khác...
Về sản lượng muối, tỉnh Quảng Bình chủ yếu là sản lượng muối thủ công với 5.000 tấn/năm; hiện chưa có muối sạch và công nghiệp.
Đáng lưu ý, tại tỉnh Quảng Bình, có 1 cơ sở chế biến muối tre Kosal của Chi nhánh Công ty TNHH Bio Korea Việt Nam (tại xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch), với sản lượng năm 2022 đạt 4,7 tấn, thu nhập 987 triệu đồng.
Sản phẩm muối tre Kosal sản xuất tại xã Vạn Trạch đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình và khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. |
Sản phẩm muối tre Kosal được xuất khẩu và tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Hàn Quốc; một số ít được tiêu thụ trong nước (đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao).
Bên cạnh đó, Dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Roòn (đã hoàn thành năm 2020 với tổng kinh phí 59 tỷ đồng) đã giúp nâng cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng đồng muối với một số hạng mục cơ bản hoàn thành; tổ chức cho diêm dân tham quan học tập công nghệ sản xuất, chế biến muối tiên tiến ở các tỉnh khác; đã thành lập 1 hợp tác xã; dự kiến thời gian tới sẽ hỗ trợ kinh tế hộ gia đình trong sản xuất, kinh doanh muối…
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Bình cũng nhìn nhận hình thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, làm muối theo phương pháp thủ công (toàn bộ diện tích được sản xuất muối thô theo phương pháp phơi nước thủ công truyền thống) nên năng suất, chất lượng thấp, đời sống diêm dân còn gặp nhiều khó khăn; thời tiết thay đổi thất thường làm giảm đáng kể sản lượng muối, mặt khác giá muối hay biến động do đầu ra không ổn định, lúc được mùa dễ bị tư thương ép giá ảnh hưởng đến thu nhập của diêm dân…
Phát triển muối sạch, muối công nghiệp
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung hướng dẫn hỗ trợ mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm muối; nghiên cứu sản xuất chế biến muối sạch, muối kết tinh trên nền vật liệu mới, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với khí hậu và phương thức sản xuất muối tại địa phương.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm muối và sau muối; xây dựng các sản phẩm OCOP; mở mã QR code để giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; lồng ghép giới thiệu sản phẩm muối trong các hội chợ, phiên chợ và hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước…
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ về kinh phí khảo sát, quy hoạch và đầu tư hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất muối để đảm bảo ổn định sản xuất cho diêm dân, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong đó, tỉnh Quảng Bình đang cần hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất muối sạch tại địa phương.
Quảng Bình định hướng sẽ phát triển muối sạch, áp dụng công nghệ mới thay vì sản xuất thủ công hiện nay. Trong ảnh: sản xuất muối tại Hợp tác xã Quảng Phú. Nguồn: Báo Quảng Bình. |
Về quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, hiện diện tích đất sản xuất muối và kế hoạch sử dụng đất làm muối đúng so với quy hoạch (chủ yếu muối thủ công với diện tích 72,5 ha, đất dịch vụ nghề muối 1 ha) . Tuy nhiên, trong rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm muối giai đoạn 2026-2030, tỉnh Quảng Bình sẽ tăng diện tích làm muối lên 84 ha, trong đó muối thủ công sẽ còn 0 ha, dành 83 ha để làm muối công nghiệp (giữ 1 ha là đất dịch vụ nghề muối).
Quảng Bình cũng dự kiến nhu cầu vốn để xây dựng các hạng mục phát triển sản xuất muối đến năm 2025 là khoảng 20,048 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Một số hạng mục được đầu tư như xây dựng nhà kho chứa nguyên liệu đầu vào (1,512 tỷ đồng); xây dựng nhà xưởng chế biến muối (1,05 tỷ đồng); thiết bị máy móc (1,8 tỷ đồng); xây dựng nhà trưng bày sản phẩm (1,4 tỷ đồng)…
Nguồn tin: Báo Đầu tư