Tin địa phương

Quảng Bình chi trả bồi thường, hỗ trợ trên 2.737 tỷ đồng

Quảng Bình đã tập trung đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Ngư dân Quảng Bình đóng mới tàu công suất lớn để tiếp tục vươn khơi

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã chỉ đạo các địa phương huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia từ khâu thống kê, công khai, kiểm tra, giám sát với quyết tâm cao nhất; đồng thời tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, đối thoại nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với việc xử lý hậu quả của sự cố môi trường biển.

“Chúng tôi giao chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về kê khai, xác định thiệt hại, phê duyệt, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn theo đúng quy định”, ông Hoài nói.

Tính đến đầu tháng 5/2018, các địa phương trong tỉnh đã chi trả cho các đối tượng được hưởng trên 2.737 tỷ đồng, bằng 99,7% so với tổng số tiền được phê duyệt.

Ngoài ra, việc thực hiện hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng bị thiệt hại, hỗ trợ gạo cho các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khắc phục hậu quả môi trường; hỗ trợ lãi suất vay, học phí, đào tạo nghề... cũng đã được triển khai nhanh, đúng đối tượng. Các địa phương trong tỉnh nhanh chóng thực hiện việc kê khai, hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho hơn 102.000 người là đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời nên đời sống ngư dân dần vượt qua khó khăn và ổn định trở lại. Hàng ngàn hộ ngư dân đã sử dụng tiền bồi thường, hỗ trợ để đóng mới, sửa chữa tàu, mua sắm ngư lưới cụ... Hoạt động sản xuất thủy sản trở lại bình thường, ngư dân mạnh dạn đầu tư, cải hoán phương tiện vươn khơi bám biển. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã tu sửa, cải tạo ao hồ để thả nuôi.

Ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Trong năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 60.000 tấn; sản lượng thu hoạch nuôi trồng thủy sản đạt gần 11.700 tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra”. Cũng theo Sở NN-PTNT, trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 16.300 tấn (tăng hơn 12% so với cùng kỳ).

Các địa phương vận động ngư dân đầu tư sắm thêm nhiều tàu cá có công suất lớn để tham gia khai thác ngư trường xa. Chỉ trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Quảng Bình đã có thêm trên 100 tàu cá có công suất từ 500 - 1.000CV được đóng mới, nâng tổng số tàu đánh bắt xa bờ lên trên 1.300 chiếc.

Ngư dân Nguyễn Văn Hướng (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới) đầu tư trên 10 tỷ đồng đóng mới tàu có công suất 950CV, cho biết: “Sau khi đưa tàu vào sử dụng, mỗi chuyến đi khơi thu trên 1 tỷ đồng. Thu nhập thuyền viên được nâng lên 20 triệu đồng/tháng. Chúng tôi yên tâm bám biển, bám ngư trường”.

Để ngư dân có thêm điều kiện sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế, Quảng Bình kiến nghị lên Trung ương cho phép tiêu hủy và bồi thường 100% giá trị đối với trên 15 tấn hải sản không đảm bảo an toàn thực phẩm. Dự kiến kinh phí bồi thường 1,1 tỷ đồng. Đề nghị hỗ trợ dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Bắc Sông Gianh (thị xã Ba Đồn). Đề nghị gia hạn thời gian hỗ trợ đào tạo nghề đến cuối năm 2019 vì việc hỗ trợ đào tạo cần thời gian dài, nhiều đối tượng có nhu cầu hỗ trợ đào tạo nhưng năng lực, quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo trên địa bàn không đáp ứng hết trong cùng một thời điểm.

Tác giả: TÂM PHÙNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP