Tiêm vaccine cho trâu, bò ở xã miền núi Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra ở các xã của 2 huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa làm 47 con bò mắc bệnh, trong đó có nhiều con chết, gây thiệt hại đối với người chăn nuôi.
Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh là do ổ dịch cũ; trâu, bò ở nhiều các xã không được tiêm vaccine viêm da nổi cục trước đó. Mặt khác, do thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho vật chủ trung gian như muỗi, ruồi… truyền bệnh viêm da nổi cục nên dịch bệnh dễ lây lan.
Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine cho vật nuôi chưa được người dân quan tâm. Toàn tỉnh chỉ có 3 địa phương tiêm phòng với gần 2.600 liều/105.000 liều. Trong đó, huyện Bố Trạch 1.500 liều, đạt 5% kế hoạch, thị xã Ba Đồn 900 liều, đạt 13% kế hoạch và huyện Quảng Trạch 175 liều, đạt 1,2% kế hoạch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đối với đàn trâu, bò, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng nhằm giảm ở mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Trong đó, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine các loại cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2023, đặc biệt là vaccine viêm da nổi cục ở đàn trâu, bò.
“Các địa phương đang có dịch bệnh cần tập trung triển khai các biện pháp chống dịch nhằm bao vây, khống chế dịch bệnh trong diện hẹp, hạn chế lây lan ra các hộ chăn nuôi trên địa bàn; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò bảo đảm đạt hơn 90% tổng đàn hiện có; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc mua bán, giết mổ, kinh doanh trâu bò, sản phẩm trâu bò trên địa bàn; tổ chức phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi sau khi đã thực hiện vệ sinh cơ giới”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình Trần Công Tám cho biết thêm.
Tác giả: HƯƠNG GIANG
Nguồn tin: Báo Nhân dân