Anh Phùng Ngọc Hiếu là hộ gia đình vay vốn để đóng tàu vỏ thép trị giá hơn 10 tỷ đồng theo Nghị định 67 và thường xuyên neo đậu tại cửa biển Nhật Lệ, cho biết: “Khi tàu ra vào cửa biển Nhật Lệ, lái tàu ngoài quan sát định vị, thì phải dùng mắt thường để quan sát màu nước, tìm luồng nước sâu cho tàu qua. Dù tàu chạy chậm, mò mẫm, thế nhưng cũng không tránh được đâm, va vào gò cát sạt gầm, làm hỏng bánh lái”.
Cửa biển Nhật Lệ đang có tình trạng bị bồi lắng |
Việc cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng nên nhiều ngư dân ở Quảng Bình đã có kiến nghị với Ban chỉ huy PCLB tỉnh và chính quyền địa phương cần sớm nạo vét, khơi thông cửa biển Nhật Lệ. Bởi cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, khiến tàu bè đi lại khó khăn, đặc biệt là đội tàu cá mới đóng mới theo Nghị định 67 thường bị mắc cạn ở cửa biển, gây thiệt hại cho ngư dân hàng trăm triệu đồng.
Anh Hoàng Quang Tình, trú ở xã Bảo Ninh cho biết: Một số chủ tàu 67 khi đi đánh bắt hải sản vào, họ phải tìm cách neo đậu ngoài khơi, sau đó thuê tàu nhỏ trung chuyển hết số hàng hóa cho giảm tải trọng, sau đó mới di chuyển qua cửa biển Nhật Lệ được - “Cửa lạch cạn quá, nên mỗi lần ra khơi, các đoàn tàu phải chờ thủy triều lên mới ra được. Đánh được hải sản về cũng phải neo phía ngoài chờ thủy triều lên để vào cửa lạch. Chuyến đi biển dài ngày mong được vào bờ để tiêu thụ hải sản cho tươi, được giá, thế nhưng vào sát bờ còn phải chờ thủy triều nữa nên hải sản thêm ngày hư hỏng nhiều, giá giảm hơn”.
Nhiều tàu thuyền của ngư dân vẫn thường xuyên vào ra tại cửa biển Nhật Lệ |
Hiện ngư dân ở xã biển Bảo Ninh, TP.Đồng Hới đã có hơn 15 chiếc tàu vỏ thép, tàu gỗ và tàu vỏ composit đóng mới theo Nghị định 67. Mỗi chiếc trị giá cả chục tỷ đồng. Hầu hết đội tàu 67 này khi đánh bắt từ vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa trở về, ngư dân đều xuống hàng ở cảng Đà Nẵng hoặc cảng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Việc ngư dân không đưa hàng hóa vào cảng ở Quảng Bình mà xuống hàng ở các tỉnh khác cũng gây khó khăn cho Văn phòng nghề cá Quảng Bình tuần tra, kiểm sát hoạt động đánh bắt theo quy định IUU, một quy định về kiểm soát các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định do Ủy ban Châu Âu đặt ra. Mặt khác, nếu các tàu thuyền của ngư dân phải cập tại các cảng khác xa cũng gây ra khó khăn cho họ khi vận chuyển hàng hóa về. Cửa biển Nhật Lệ không chỉ để tàu vào neo đậu trên sông Nhật Lệ, trong mùa mưa bão mà còn có hàng ngàn lượt tàu vào Khu neo đậu tránh trú bão Cừa Phú, Chợ Gộ.
Cửa biển bị bồi lắng khiến cho ngư dân hết sức lo lắng |
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải lên phương án nạo vét, cửa biển Nhật Lệ theo hướng lâu dài và bền vững. Bởi trước đó, cửa biển sau mỗi lần nạo vét tốn kém kinh phí lại bị bồi lấp. Tỉnh Quảng Bình cũng vừa kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cho phép lấy nguồn kết dư do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nguyên Formosa đền bù, để làm kinh phí nạo vét luồng lạch cửa biển.
“Hiện nay, nhiều tàu đóng mới công suất trên 400CV đến 1000CV, đặc biệt là các tàu đóng mới theo chương trình Nghị định 67, khi vào cửa thì rất khó khăn, dễ xảy ra tai nạn, cho nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh. Nghành nông nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh, đề xuất dùng nguồn kinh phí từ hỗ trợ, bồi thường sự cố môi trường biển Formosa để nạo vét luồng lạch, đảm bảo cho tàu bè của bà con ra vào”, ông Lợi cho biết.
Trước tình trạng cửa biển bị bồi lắng và cũng sắp bước vào mùa mưa bão, ngư dân lo lắng việc lượng phù sa nhiều làm cửa biển cạn thêm tàu thuyền sẽ khó ra vào cửa biển tránh trú. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Bình cần sớm có biện pháp nạo vét cửa biển Nhật Lệ để ngư dân yên tâm ra khơi cũng như dễ vào neo đậu mỗi khi có mưa bão lớn để tránh gây thiệt hại về tài sản.
Tác giả: Hồng Thiệu
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường