Cuộc sống

Quán nhậu đông vui, bữa cơm nhà lạnh ngắt

Giờ tan sở, thời điểm các gia đình sum vầy với bữa tối cũng là lúc các quán nhậu, các cửa hàng đồ ăn nhanh khắp thành phố nghìn nghịt người. Bữa ăn - hoạt động gắn kết làm nên tổ ấm của gia đình đang đổ vỡ.

Đến bữa ăn thì ở... quán nhậu

Chỉ cần rảo bước ở các con đường lớn nhỏ ở TPHCM vào lúc tan sở, sau 5h30 mỗi chiều sẽ thấy hàng loạt quán nhậu bắt đầu rậm rịch đón khách. Đây là lúc các khu ăn uống đường Phan Xích Long, khu đồ nướng Vạn Kiếp, trung tâm ăn uống mới nổi đường Phạm Văn Đồng... tăng hết cường độ làm việc.

Các nhà hàng lớn bày biện sẵn bán ghế, chén bát để đón khách; các quán nhậu vỉa hè, bình dân vào cuộc sớm hơn, rất nhiều người từ chỗ làm là tạt ngay vào quá nhậu theo lịch hẹn trước và cũng có người ra đây mới gọi điện "lập hội".

Các quán nhậu đông nườm nượp từ giờ tan sở đến tận tối, thậm chí đến tận đêm. Bằng hữu hò zô, tay bắt mặt mừng, đông vui, nhộn nhịp...

Nhìn thấy cảnh các quán nhậu sau giờ tan sở, một chuyên gia tâm lý ở TPHCM đã phải thốt lên: Họ đang ngồi đây, nghĩa là giờ này, tối nay có biết bao nhiêu đứa trẻ hôm nay vắng cha, vắng mẹ?

Người lớn ở quán nhậu thì con trẻ cũng có sân chơi của riêng mình. Nhiều năm gần đây, các trung tâm thương mại, các quán ăn nhanh phủ khắp mọi nơi là "bến đậu" của giới trẻ vào giờ của những bữa ăn trưa, ăn tối. Ở đây, mọi nhu cầu ăn uống, vui chơi của con trẻ được đáp ứng nhanh gọn, tiện lợi, sang trọng. Chỉ thiếu cha, thiếu mẹ và thiếu không khí gia đình.

Trái ngược với sự xô bồ, nhộn nhịp đó bên ngoài, cánh cửa không ít gia đình lạnh ngăn ngắt. Có những gia đình không tổ chức, không duy trì được bữa ăn sum họp hàng ngày. Bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con đi đường con... nhiều nhà đúng nghĩa thân ai nấy biết. Không ít đứa trẻ không biết đến bữa ăn gia đình đúng nghĩa, các thành viên quây quần cùng chuẩn bị đồ ăn, dọn mâm, trò chuyện.

Bữa ăn - đổ vỡ mối liên kết gia đình

Tại một buổi tọa đàm về chủ đề gia đình ở TPHCM mới đây, Tuấn Anh, một học sinh lớp 10 cho biết, có khi cả năm trời em không ngồi ăn cơm cùng bố mẹ. Trước đây mẹ còn hay bày biện, nhưng nấu rồi ba không về ăn, mẹ cũng bỏ bữa... dần dần bà chán gần như bỏ luôn việc bếp núc, giao hết cho giúp việc. Giờ đây, bố mẹ cho em tiền, không về nhà ăn thì ăn ngoài.

"Sáng ăn quán, bữa trưa ăn ở trường, chiều đi học thêm ăn vội vàng, tối hôm nào không ới bạn bè đi ăn đồ ăn nhanh, trà sữa thì em mới báo cô giúp việc để phần. Có về thì em xúc một tô vào phòng là xong bữa", Tuấn Anh kể.

Một bạn trẻ khác cũng ở tuổi mới lớn đã phải thốt lên nghẹn ngào: "Em muốn xin tiền hay nhắn gì với bố mẹ, còn phải viết giấy dán ở cửa tủ lạnh. Đó đã trở thành nơi giao tiếp của mọi người trong gia đình".

Mái ấm của nhiều gia đình hiện đại trở thành "tổ lạnh" khi bị phân tán bởi nhậu nhẹt và công nghệ

Chưa kể, nhiều gia đình duy trì được bữa ăn chung nhưng thật ra thời gian, tâm trí, tình cảm lại không dành cho nhau. Có những nhà, chỉ quây quần bên nhau về mặt thể chất, còn mỗi người tập trung vào ti vi, vào điện thoại hay các mối bận tâm riêng của mình.

Ở thế giới gia đình thiếu sợi dây gắn kết nhiều đứa trẻ gặp sự cố, có vấn đề nhưng cha mẹ không hề hay biết. Có em bị bạo hành thời gian dài cha mẹ không biết; có em sau khi uống thuốc, cứa tay tự vẫn, cha mẹ ngớ người "thấy nó bình thường mà". Thậm chí, có trường hợp, có em bỏ nhà đi bụi mà cả tháng sau cha mẹ mới hay biết; rồi có trường hợp... con gái có bầu đến tháng 7 mẹ mới phát hiện ra.

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TPHCM chia sẻ, dù bận rộn đến mấy gia đình bà vẫn luôn thu xếp để có bữa ăn chung trong ngày. Bữa ăn là hoạt động cực kỳ quan trọng để tạo nên nếp nhà và nếp nhà ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển và quá trình hình thành giá trị sống, kỹ năng sống ở con trẻ.

Theo bà Thúy, thay vì kiếm tiền cho con đi học các lớp kỹ năng sống, các khóa đào tạo này nọ, cha mẹ hãy tận dụng giáo dục con ngay trong việc duy trì bữa cơm nhà. Khi cùng nhau nấu, bày biện, dọn mâm, trò chuyện... là cơ hội để bày tỏ sự quan tâm, bày tỏ tình yêu thương với nhau. Giữa cuộc sống bận rộn, nhộn nhịp thì bữa ăn giúp cho mái nhà trở thành tổ ấm để con trẻ cảm nhận được rõ nhất sự quan tâm của cha mẹ.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP