Thế giới

Quân nhân Mỹ tiết lộ cuộc giải cứu "nghẹt thở" bên trong hang Tham Luang

Trực tiếp tham gia chiến dịch cứu hộ đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt trong hang Tham Luang, Thượng sĩ Derek Anderson từ Không quân Mỹ nhận định đây là một chiến dịch giải cứu "cả đời mới trải qua một lần".

Thượng sĩ Derek Anderson (Ảnh: AP)

Thượng sĩ Derek Anderson, 32 tuổi, chuyên gia cứu hộ của Không quân Mỹ đóng tại Nhật Bản, cho rằng 12 cầu thủ trong độ tuổi từ 11-16 và huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang (Thái Lan) là những chàng trai có "nghị lực phi thường".

"Điều quan trọng là huấn luyện viên và các cầu thủ luôn sát cánh bên nhau, tìm cách để trụ lại, có khao khát sống và tìm cách để sinh tồn", anh Anderson nhận định với AP.

Ngay sau khi xác nhận thông tin 13 thành viên đội bóng nhí mất tích ngày 23/6, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã tìm cách vào hang, nhưng hai lần đều thất bại do hang ngập quá sâu và lại thêm các khe quá hẹp.

Anderson cho biết: "Khi chúng tôi đến nơi, hang khô ráo nhưng chỉ hơn 1 giờ sau nước đã dâng lên 6-9cm và chúng tôi buộc phải trở ra. Lúc đó chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề phức tạp hơn chúng tôi nghĩ".

“Họ phải ròng dây để lần đường trong hang tối. Công tác này có tiến triển, nhưng rất ít và đội cứu hộ cũng thấm mệt khi mất đến 5-6 giờ chỉ xoay xở trong đoạn hang từ 40-50m”.

Cuối cùng, sau khi cân nhắc các phương án, giới chức Thái Lan và đội cứu hộ đã quyết định lặn vào bên trong để đưa các em nhỏ ra ngoài bất chấp việc các em chưa phục hồi thể lực lại không có kinh nghiệm lặn hang. Hàng trăm triệu lít nước cũng được hút ra ngoài để có thêm không khí trong hang, tạo điều kiện cho công tác giải cứu.

Cách thức hai thợ lặn đưa cầu thủ ra ngoài. (Đồ hòa: Vox)

Anderson cho biết, mỗi cầu thủ được uống thuốc an thần, sau đó đặt trong một chiếc cáng gài dây kĩ càng để hai thợ lặn kéo ra ngoài. Điều này nhằm tránh việc các em nhỏ có thể hoảng loạn gây ảnh hưởng đến hoạt động cứu hộ, đặc biệt là khi qua khe hẹp rộng chưa đầy 40cm.

Các cầu thủ được mặc đồ lặn để giữ ấm cơ thể khi đầm mình trong nước và được đeo mặt nạ dưỡng khí trùm toàn bộ mặt. Đây là loại mặt nạ dưỡng khí đặc biệt, kể cả trong trường hợp các em hoảng sợ khiến nước lọt vào bên trong thì áp suất trong mặt nạ cũng sẽ đẩy nước ra ngoài.

Theo lời Anderson, quá trình đưa cầu thủ ra khỏi hang mất khoảng vài giờ. Có khoảng 100 người vào trong hang để thực hiện mỗi lần giải cứu. Ở các đoạn hang ngập nước, mỗi cầu thủ được kèm cặp bởi 2 thợ lặn, nhưng đến đoạn hẹp, chỉ có thể một thợ lặn kéo cầu thủ qua. Trong khi đó, gần 100 người túc trực dọc hành lang của hang để hỗ trợ đưa các em nhỏ ra ngoài từ trung tâm chỉ huy ở hốc số 3 của hang.

Một số đoạn hoàn toàn khô ráo nhưng địa hình nguy hiểm, dốc và lởm chởm đá nhọn. "Chúng tôi phải thiết lập một hệ thống dây và ròng rọc để di chuyển các em ra ngoài trên cáng mà không phải đi bộ”, Anderson nói.

Thượng sĩ Anderson cho biết thêm, các bình oxy bố trí dọc hang được bơm dưỡng khí với tỷ lệ 80% oxy thay vì tỷ lệ thông thường. "Điều này giúp tăng nồng độ bão hòa oxy cho những đứa trẻ, điều rất tốt cho trạng thái tinh thần của chúng", ông Anderson lý giải.

Chia sẻ cảm nghĩ về chiến dịch giải cứu trong hang Tham Luang, Anderson cho rằng, đây là câu chuyện mà có lẽ cả đời anh mới trải qua một lần.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP