Cuộc sống

Quà Tết nhà ngoại: 'Thóc đâu mà đãi gà rừng'

Cùng bánh kẹo nhưng tôi lên danh sách mua 2 loại. Một loại hộp giấy đơn giản giá chỉ từ 40-50 nghìn, loại khác là hộp sắt vừa đẹp, vừa sang không dưới 100 nghìn. Loại hộp giấy tôi ghi tên các họ hàng nhà ngoại bao gồm cô, dì, chú, bác... Còn hộp đẹp hơn dành cho nhà nội.

Đọc những tâm sự chuyện biếu quà Tết của mấy nàng dâu mà tôi phải lắc đầu chán ngán. Nếu bố mẹ chồng, họ hàng nhà chồng của các chị vô tình đọc được những bài báo ấy không biết họ sẽ nghĩ gì?

Có chị kể, chồng các chị muốn biếu bố mẹ mấy chục triệu tiêu Tết mà chị cũng khóc lên khóc xuống, còn muốn ly hôn. Tôi nghĩ nếu chị có ý định như thế nhà chồng các chị chắc cũng chả tiếc cô con dâu quá chi ly, tính toán đến thế.

Là một người đàn ông, tôi sẽ phân tích cho các chị rõ nhé. Thứ nhất, các chị không thấy bố mẹ chồng rất vất vả mới nuôi được chồng chị ăn học khôn lớn? Thứ hai, vừa nuôi con ăn học xong, họ lại phải vội vã chuẩn bị cho anh ta mấy trăm triệu xin việc, cưới vợ.

Chưa "thu lại" được đồng nào thì khi đi làm, lương của anh cũng nộp hết cho các chị. Bởi có chị nào chịu khoanh tay nhìn chồng nộp lương cho mẹ?

Chỉ mỗi dịp lễ, Tết bố mẹ chồng mới có cơ hội được nhìn con trai báo hiếu (Ảnh minh họa)

Chỉ mỗi dịp lễ, Tết bố mẹ chồng mới có cơ hội được nhìn con trai báo hiếu. Vài chục triệu đấy so với thu nhập mà chồng chị đưa về cho chị đáng là bao nhiêu?

Các chị cũng dại quá! Sao chị không gật đầu cho chồng mát mặt, bố mẹ chồng vui vẻ? Vợ "khó khăn" với nhà chồng như thế, các năm sau chồng chị chỉ biếu bố mẹ anh ta vài đồng trước mặt chị. Nhưng sau lưng anh ta đưa cho họ bao nhiêu các chị làm sao quản nổi? Đến lúc đó, kinh tế nhà chị thâm hụt và chị cũng lại mang tiếng ki bo với mẹ chồng thì thật tai họa.

Thậm chí, có chị còn so sánh chồng biếu Tết nhà nội món quà to hơn nhà ngoại rồi giận dỗi, làm mình làm mẩy.

Tôi khẳng định rằng biếu bố mẹ chồng nhiều hơn là điều đương nhiên. Bởi khi xin tiền mua nhà các chị chả lớn tiếng "Lấy chồng nhờ phúc nhà chồng giúp đỡ còn nhà ngoại chỉ thêm vào phụ họa"?. Khi sinh con đẻ cái các chị chả kêu: "Cháu bà nội thì bà trông"?. Ngày lễ, ngày Tết cả nhà chị cũng ăn dầm ở dề nhà nội bao ngày, đưa thêm cho nhà chồng thì có gì còn phải tính toán?

Như gia đình tôi, năm nào cũng như năm nào, đều như vắt chanh, tôi lên 1 bảng danh sách chi tiết. Sau đó vợ con cứ thế mà thực hiện không phải thắc mắc, không kêu ca.

Cụ thể, danh sách của tôi gồm có số người cần biếu quà Tết, số hàng phải mua, số tiền biếu Tết phải lo.

Ví dụ, cùng bánh kẹo nhưng tôi lên danh sách 2 loại. 1 loại hộp giấy đơn giản chỉ từ 40-50 nghìn, loại khác là hộp sắt đẹp đẽ giá không dưới 100 nghìn. Loại hộp giấy tôi ghi tên các họ hàng nhà ngoại bao gồm cô, dì, chú, bác... Còn hộp đẹp hơn dành cho nhà nội.

Các loại chè, trà, mứt, hạt dưa... cũng được phân làm 2 loại. Loại đắt cho nhà nội và loại rẻ hơn để biểu nhà ngoại. Nhà nào mình được nhờ nhiều hơn phải "chi đẹp" cho nhà đấy. Nếu tất cả đều biếu quà đồng giá thì tiền đâu, "thóc đâu mà đãi gà rừng"?

Phong bì lì xì tôi cũng phân làm 2 loại. Nếu năm nay tôi bỏ phong bì lì xì ông bà nội 20 triệu thì ông bà ngoại khoảng 5 triệu. Năm nào làm ăn khó hơn, nhà nội chỉ có 10 triệu thì ông bà ngoại cũng 2, 3 triệu là cùng.

Tiền lì xì cho các cháu tôi cũng làm tương tự. Tôi mua 2 loại bao lì xì khác nhau, 1 loại đựng các tờ là 50 nghìn, 100 nghìn. Loại còn lại tôi bỏ 10 nghìn, 20 nghìn. Đương nhiên tôi làm thế cũng để tặng cháu 2 nhà nội - ngoại.

Những việc tôi làm vợ tôi có ý kiến không? Tất nhiên là có. Cái Tết đầu tiên sau khi lấy nhau, cô ấy cũng khóc lóc, giận dỗi bảo tôi phân biệt so sánh. Thế là tôi hỏi thẳng: "Khi về đây ở nhà của cha mẹ anh mua, đi xe ô tô do cha mẹ anh sắm, tiêu tiền cũng của anh thì em có phân biệt, so sánh không?".

Thêm vào đó, vợ tôi đang ở nhà chăm con, chẳng làm ra được đồng nào, ngoài ra nhà vợ tôi cũng chả giúp được gì cho chúng tôi. Thế còn ý kiến gì nữa? Nói nhiều lời, tôi lại "gửi về nơi sản xuất" cho mà sáng mắt ra.

Tác giả bài viết: Độc giả Đặng Kỳ(35 tuổi)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP