Kinh tế

PV Oil trầy trật đòi hoàn thuế 57 tỷ đồng 2 năm vẫn chưa xong

TCty Dầu Việt Nam (PV Oil) vẫn chưa thể lấy lại hơn 57 tỷ đồng tiền thuế tạm nộp vào Ngân sách Nhà nước từ năm 2016, dù đã gửi hàng chục đơn kiến nghị cơ quan chức năng xử lý C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ) được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.

PV Oil đang gặp rắc rối vì 3 lô hàng xăng dầu nhập khẩu thiếu chữ ký của người xuất khẩu trên giấy C/O.

Theo báo cáo của PV Oil, 3 lô hàng xăng dầu nhập khẩu từ Singapore trong năm 2015 của đơn vị này bị truy thu thuế do thiếu chữ ký của người xuất khẩu trên giấy C/O.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, PV Oil đã liên hệ với nhà cung cấp và Hải quan Singapore để chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ của lô hàng, báo cáo với cơ quan Hải quan Việt Nam.

PV Oil cũng khẳng định có giấy C/O của 3 lô hàng hoàn toàn hợp pháp. Việc thiếu chữ ký trên các C/O xuất phát từ nguyên nhân khách quan, vì PV Oil cũng cần các C/O hợp lệ để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt ATIGA, và điều này không hề thay đổi bản chất của các C/O.

Cũng theo báo cáo của PV Oil, Hải quan Singapore đã nhận C/O mẫu D từ Hải quan Việt Nam vào ngày 22/6/2017 và phản hồi lại vào ngày 4/7/2017. Đến tháng 9/2017, Hải quan Việt Nam có yêu cầu Hải quan Singapore cung cấp một số tài liệu cần thiết, và nhà sản xuất đã đáp ứng tất cả để Hải quan Singapore gửi cho Hải quan Việt Nam vào tháng 12/2017.

Ngoài ra, Hải quan Singapore cũng thông báo quá trình làm rõ hồ sơ chỉ có thời hạn tối đa là 180 ngày. Hải quan Việt Nam sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 27/03/2018 để Hải quan Singapore cập nhật cho nhà sản xuất.

Nhưng tính cho đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng về sự việc để hoàn trả 65,9 tỷ đồng (bao gồm 57,6 tỷ đồng tiền thuế và 8,3 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế) mà PV Oil đã tạm nộp vào Ngân sách Nhà nước.

PV Oil vẫn chưa thể đòi lại 57,6 tỷ đồng tiền thuế tạm nộp vào Ngân sách Nhà nước từ năm 2016.

Trong công văn mới nhất gửi cho PV Oil vào ngày 5/3/2018, Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị này đang thực hiện xác minh với cơ quan cấp C/O liên quan và chỉ có thể trả lời PV Oil sau khi nhận được thông báo từ cơ quan cấp C/O.

Tuy nhiên, sự việc càng kéo dài sẽ càng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là khi PV Oil đang triển khai công tác cổ phần hóa. Tính chất nghiêm trọng của sự việc buộc Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phải vào cuộc, “cầu cứu” Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của doanh nghiệp.

Tác giả: Dịch Phong

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP