Giáo dục

Phút 89, thầy giáo dặn dò để thí sinh thi đạt điểm cao

Các trò nhớ rằng, bài thi không cần dài lê thê. Viết đủ ý tuy chưa sâu còn hơn viết sâu mà bỏ dở bài chưa xong!

LTS: Chỉ còn 1 ngày nữa là diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2016, hôm nay, thầy giáo Nguyễn Văn Lự - giáo viên dạy Văn chỉ cách giúp thí sinh đạt điểm cao môn Ngữ văn trong kỳ thi quan trọng này.

Bài viết vừa là lời dặn dò, là lời chúc của người thầy gửi tới các thí sinh trong cả nước đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả chia sẻ của thầy.


Năm 2016 là năm thứ 2 thi THPT quốc gia, nên đề Ngữ văn cũng sẽ không khó hơn năm 2015.

Đề thi cần thỏa mãn hai mục đích:

1. Xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng

2. Nhiều đối tượng, khối A, B, C, D, M, H và bổ túc đều làm được bài với lượng kiến thức cơ bản khoảng 60%, kiến thức vận dụng cao khoảng 40 %.

Dự đoán đề thi Văn không khó hơn, không đánh đố và vẫn theo hướng mở, em nào cũng hiểu, cũng viết được. Thí sinh viết đúng, viết thuyết phục điểm sẽ cao hơn.

mon Van
Thí sinh cần tự tin, bình tĩnh làm bài thi. (Ảnh: Nguyễn Văn Lự)

Các trò cần đọc lại một số tác phẩm văn học lớp 12, ôn kỹ năng làm bài và kiến thức đọc hiểu. Một số chia sẻ sau có thể sẽ giúp nhiều trò khi làm bài thi Ngữ văn vào sáng 02/7/2016:

Thứ nhất, về câu nghị luận văn học (4điểm) sẽ không có dạng câu hỏi so sánh, nhất là so sánh với tác phẩm lớp 11.

Câu nghị luận văn học rất có thể sẽ chép một đoạn thơ, hoặc văn xuôi trong các bài đọc hiểu văn 12,(cả 3 chương trình đều học chính, không hỏi bài đọc thêm).

Thí sinh đọc kỹ văn bản và bày tỏ hiểu biết, cảm nhận rồi diễn đạt ý hiểu ấy trong từng đoạn văn, mỗi ý một đoạn.

Đề thi với mục tiêu loại bỏ văn mẫu, bài giảng hay phao thi nên các trò không học thuộc lòng hoặc chuẩn bị tài liệu.

Đề thi năm nay cũng 100% mới. Các trò nên đọc lại khung dàn bài, cách làm bài, cách diễn đạt, lập luận.

Phải lập dàn bài sơ lược rồi hãy viết. Đoạn nào “bí” thì đọc lại phần đã viết và trả lời câu hỏi: “Còn ý nào chưa viết nữa?”.

Không nên và không viết theo bài giảng hay văn mẫu (bài mẫu đó của các chuyên gia viết rất dài, các trò không có đủ thời gian để chép hết, chép đúng!).

Thứ hai, về câu nghị luận xã hội (3điểm) sẽ hỏi những gì gần gũi với học trò ở miền núi và thành thị đều biết.

Cho nên, các trò nhớ kỹ khung dàn bài của 3 dạng đề, đọc đề và quy về dạng tư tưởng, đạo lí hay hiện tượng đời sống hoặc vấn đề xã hội trong tác phẩm để lập dàn bài sơ lược, rồi viết bài.

Nhớ viết đủ ý, ngắn gọn, không phân tích dẫn chứng dài dòng để còn nêu các ý khác, dẫn chứng khác.

Phần giải thích cần đúng trọng tâm, phần phân tích, bình luận nên theo cấu trúc: “Nếu A…thì B…; nếu không D thì X… để trình bày quan điểm, thái độ, nhận thức và hành động thiết thực của cá nhân”.

Thứ ba, về câu đọc hiểu (3điểm) dễ ghi điểm đối với trò nào thận trọng và tự tin. Đọc nhiều lần từng văn bản, đọc nhiều lần từng câu hỏi và làm dứt khoát xong từng câu, không được dành để làm sau vì dễ bỏ quên khi say sưa quá bài nghị luận văn học dễ hết giờ.

Viết đoạn ngắn chú ý chữ viết cần dễ đọc, dấu câu chuẩn, từ dùng chính xác và phải đúng nội dung đề yêu cầu.

Các kiến thức về ngữ pháp, biện pháp tu từ, liên kết câu, nội dung và nghệ thuật, phương thức biểu đạt hay về từ loại… vừa phải nhận biết, phát hiện, vừa nêu ý nghĩa tác dụng để làm tăng thêm, bổ sung điều gì về đối tượng được nói đến?

Đồng thời, không nên vội vàng làm mà nhất thiết cần phải viết trước ra giấy nháp, chỉnh chuẩn rồi viết vào bài thi.

Cuối cùng, các trò nhớ rằng, bài thi không cần dài lê thê. Viết đủ ý tuy chưa sâu còn hơn viết sâu mà bỏ dở bài chưa xong! Luôn luôn đặt ra câu hỏi và tìm cách trả lời câu hỏi sẽ tìm ra nội dung cần hiểu, cần viết. Đọc lại bài thi, sửa chữa và hoàn thiện cũng rất cần thiết.

Đáp án chính thức 2015 dành cho trình bày văn bản (0,75 điểm) và hiểu đúng vấn đề (0,5 điểm) đã khẳng định quan điểm coi trọng kỹ năng tạo lập văn bản của thí sinh.

Bí quyết giành điểm cao bài thi Ngữ văn tùy thuộc khả năng tư duy, phán đoán và khả năng dùng từ, viết câu và diễn đạt. Đọc thật kỹ đề bài, bình tĩnh lập dàn ý rồi viết bài thận trọng, chắc chắn các trò sẽ hoàn thành tốt bài thi.

Chúc các trò thi đạt điểm cao nhất!

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Lự

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP