Tại hội nghị, nhiều tâm tư, bức xúc nhất chính là những trường cao đẳng, trung cấp mới chuyển quản lý từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB-XH.
Sinh viên trong giờ học thực hành
Chuyển đổi chỉ có lợi
Các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng trước đây trực thuộc Bộ GD-ĐT băn khoăn sẽ tiếp tục hoạt động theo quy định nào khi chưa có những văn bản chính thức của Bộ LĐ-TB-XH.
Đại diện của Hiệp hội các trường nghề cho biết mặc dù nhiều vấn đề phát sinh khi chuyển giao đã được giải đáp, nhưng ông vẫn phải đề xuất “phải có văn bản”, vì tất cả các trường khi đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và một số hoạt động khác phải được UBND tỉnh phê duyệt, và họ yêu cầu phải có căn cứ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ngay trong ngày mai Bộ sẽ có văn bản gửi trực tiếp tới các địa phương và các trường -đề nghị vẫn thực hiện theo các quy định Bộ GD-ĐT đặt ra trước đây.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thì đề xuất làm sao bằng cấp của các trường "phải được các nước ASEAN chấp nhận", nếu không tức là đang đào tạo lãng phí.
Nghệ sĩ Đức Hải - phó hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch sài Gòn - mong muốn có sự công bằng, minh bạch trong quản lý. Ông Hải cũng đề nghị “một chút thuận lợi cho trường ngoài công lập”. “Chỗ nào thành phố thấy có điều kiện đất đai thì tạo điều kiện cho trường ngoài công lập một chút. Chứ nếu phải về xin tiền vợ mở trường thì rất khó” – ông Hải nói vui.
Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh (Ảnh Văn Đức - Duy Tuấn)
Hội nghị chợt nóng lên khi bà Lê Thị Hồng Hoa, hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác đứng lên bày tỏ tâm tư. Bà Hoa cho biết dù không được mời nhưng ngay khi biết tin, bà đã bay vào TP.HCM để tham dự hội nghị này.
Bày tỏ sự tán thành đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, bà Hoa cho biết thời gian qua đã rất lo lắng. “Trước đây, có 600 trường trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT quản lý. Hiện nay chuyển giao, Bộ LĐ-TB-XH quản lý gần 2.000 trường, không biết sẽ đi đâu về đâu hay đang… thắt cổ tự tử?”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định “Chính phủ và các bộ đã bàn kỹ, việc chuyển giao chỉ có thuận lợi hơn cho các trường”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu dự hội nghị về việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Ảnh: Đình Nam.
Không là cắt ngân sách ngay
Khi đề cập tới việc phân luồng học sinh phổ thông vào học nghề, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết lâu nay tỉ lệ chỉ đạt 4 – 5%, trong khi mục tiêu đặt ra là 30%. Hiện nay, học sinh đi học phổ thông nhiều vì số trường học rất dồi dào. Nếu muốn thực hiện phân luồng 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề, số lượng trường THPT phải giảm đi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, nếu có chủ trương thực hiện điều này cũng phải cân nhắc.
“Nhưng hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chủ trì việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông. Vậy tới đây Bộ GD-ĐT định hướng như thế nào để học sinh có thể lựa chọn hay rẽ ngang sang học nghề ngay từ lớp 9, lớp 10, lớp 11…?”.
Trước câu hỏi này, ông Ga cho biết khi xây dựng khung cơ cấu trình độ quốc gia đã bàn rất nhiều về vấn đề này và tới đây khi biên soạn chương trình phổ thông mới cũng sẽ tiếp tục bàn thảo để thực hiện.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng các trường nghề từng bước tiến tới tự chủ, nhưng tự chủ ở tất cả các trường trung cấp thì không được…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tự chủ không có nghĩa là cắt ngân sách ngay. “Quan điểm chung của Chính phủ là phải thống nhất hành động. phải có lộ trình về ngân sách, còn quyền tự chủ thì cho ngay các trường”.
Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên Hương Khê cũng được đầu tư gần 40 tỷ đồng nhưng cũng không thu hút được học viên (Ảnh Văn Đức - Duy Tuấn)
Ba “chìa khóa” đổi mới
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu “Đào tạo nghề phải có một bước thay đổi căn bản, có lộ trình, không giật cục, duy ý chí”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để đổi mới, nâng cao chất lượng, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhất định phải đẩy mạnh tự chủ cho các trường nghề, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và theo đúng xu hướng quốc tế.
Về vấn đề tự chủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định “Tự chủ là chủ trương chung của giáo dục đại học, GDNN và hiểu theo đúng nghĩa là tự quản, đây là thuộc tính của giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao”.
Nêu ví dụ trung bình một trường CĐ mỗi năm nhận 10 tỉ đồng ngân sách, trường đào tạo một nghìn sinh viên nhận 10 tỷ, trường đào tạo vài chục sinh viên cũng 10 tỉ... ông Đam cho biết “Cơ chế chi ngân sách Nhà nước sẽ thay đổi, trường đào tạo một nghìn sinh viên sẽ nhận được nhiều hơn. Trường đào tạo ít sẽ phải nhận ít đi, nếu hoạt động không hiệu quả sẽ tự tiêu”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tới đây các trường, các UBND tỉnh phải chấp nhận và kiên quyết làm.
“Nếu tiếp tục bao cấp sẽ làm hư cán bộ giáo viên của những trường hoạt động không hiệu quả, có lỗi với nhân dân vì đó chính là tiền mồ hôi của nhân dân” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh…
Về chiếc “chìa khóa” thứ hai, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GDNN là phải gắn chặt với doanh nghiệp. Nhận thức này phải thực hiện triệt để, thấm sâu vào tất cả các khâu trong GDNN, từ tìm hiểu nhu cầu việc làm, định hướng nghề nghiệp, đến đào tạo, sử dụng lao động.
Điểm thứ ba là xu hướng quốc tế hoá trong đào tạo nghề. cho rằng, cần thống nhất quan điểm chỉ cần trường ở gần nhà khi học ngắn hạn hay vừa học vừa làm, còn học tập trung mấy năm ở bậc CĐ, ĐH không nhất thiết cứ phải tại địa phương.
“Quan trọng nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực từ các trường, các chuyên gia, và cộng đồng thiết lập nên các kho học liệu mở cho tất cả các trường tham khảo”…
“Đổi mới hay là chết, chứ không thể duy trì mãi như thế này được” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận.
Tác giả bài viết: Ngân Anh
Nguồn tin: