Xã hội

Phó Thủ tướng: Tiền lương chưa làm lao động gắn bó với công việc

Những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ là chưa làm người lao động gắn bó với công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu.

Ngày 17/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo dẫn đầu đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Buổi làm việc nhằm nghiên cứu, khảo sát phục vụ xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công. Tham gia đoàn có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, các bộ, ban ngành thuộc Chính phủ, TAND Tối cao.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là tiền đề quan trọng để Hội nghị Trung ương lần thứ 7 thảo luận cặn kẽ và thông qua một nghị quyết về cải cách tiền lương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay là chưa làm người lao động gắn bó với công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu. Quan hệ tiền lương mang tính bình quân, thấp hơn nhiều quan hệ tiền lương trên thị trường lao động. Hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu, mở rộng đối tượng và các loại phụ cấp tạo bất cập cho các cơ quan, có rất nhiều các loại phụ cấp.

Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập (lương gồm cơ bản, thưởng, phụ cấp và khoản ngoài lương mà khoản ngoài lương lớn hơn lương). Tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rồi sau này điều chỉnh lại thì có bất cập mới là tiền lương lãnh đạo DNNN bị đóng khung.

Nguyên nhân của thực trạng này là đối tượng hưởng lương tăng nhanh mà ngân sách không đáp ứng kịp (tính tới nay là hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách). Chậm cụ thể hóa quan điểm chi tiền lương là chi đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng công chức; chưa tạo đột phá về quản lý ngân sách; chưa quản lý tốt tiền lương. Chưa khắc phục bất cập quản lý DNNN, đơn vị sự nghiệp công.

Do đó, Phó Thủ tướng cho biết các đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo sẽ tập trung làm rõ các vấn đề về tiền lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, quan hệ tiền lương tối thiểu - lương tối đa, các chế độ phụ cấp, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; tạo nguồn cải cách tiền lương.

Với hệ thống công đoàn có đặc thù riêng trong vấn đề tiền lương, Phó Thủ tướng đề nghị cần làm rõ việc tính toán, thiết kế thang - bảng lương, tìm nguồn chi trả, cách quản lý và cách trả lương cho cán bộ, viên chức. Với khu vực sản xuất, Tổng LĐLĐVN làm rõ về tiền lương tối thiểu vùng.

“Hôm nay chúng ta khởi đầu khảo sát vấn đề tiền lương cho Hội nghị Trung ương 7, nhưng còn gian truân, phải tập trung trí tuệ, phương pháp thực hiện, mời các chuyên gia về lĩnh vực này tham gia đoàn khảo sát”, Phó Thủ tướng nói.

Tại buổi làm việc, các ý kiến bày tỏ thống nhất một số nội dung như: Khi xác định vị trí việc làm thì duy trì rất ít phụ cấp (chỉ còn phụ cấp khu vực, ngành nghề); tăng quyền quản lý tiền lương cho người sử dụng lao động kể cả trong khối công chức, viên chức; tiền lương tối thiểu phụ thuộc nhiều yếu tố không chỉ có mức sống tối thiểu nhưng phải hướng tới đáp ứng mức sống tối thiểu và đặt ra vấn đề có nên quy định tiền lương tối thiểu chung cho các khu vực không.

Sau đợt khảo sát ở Tổng LĐLĐVN, Ban Chỉ đạo sẽ khảo sát tại các cơ quan khác như TAND Tối cao, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP