Đánh giá về tình hình tài chính doanh nghiệp không chính xác, lúc lỗ giả, lúc lãi giả. |
Đánh giá về việc quản lý hoạt động chi tiêu ngân sách Nhà nước (NSNN), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra những sai phạm, điển hình như: Nhiều khoản thu, chi chưa được tính toán đầy đủ hoặc có dấu hiệu của trốn lậu thuế; nhiều khoản chi tiêu không có dự toán; chi tiêu vượt dự toán, sai so với dự toán, dẫn đến thất thoát lãng phí trong NSNN và đã kiến nghị thu hồi cho NSNN.
Theo ông Hiển, kết quả kiểm toán cũng phát hiện số lượng tiền thu, chi, sử dụng tài sản công không đúng mỗi năm đều tăng lên. Ngay như trong kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016, KTNN đã chỉ ra được trên 60.000 lao động được bố trí không hiệu quả so với hoạt động của cả bộ máy, khoảng gần 200 văn bản quy phạm pháp luật cần phải được chỉnh sửa ở các lĩnh vực khác nhau.
Ông Hiển cũng cho biết, trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, những năm vừa qua, các vụ việc mà KTNN đề xuất với cơ quan điều tra tăng lên rất nhiều.
Với vai trò là Trưởng Đoàn cuộc giám sát chuyên đề Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, ông đánh giá: "5 năm qua có rất nhiều sai phạm nổi lên mà Đoàn Giám sát phải dựa vào kết quả kiểm toán của KTNN, cũng như của công tác thanh tra của Chính phủ để chỉ ra những sai phạm".
"DNNN luôn phải tuân thủ pháp luật, nhưng qua công tác kiểm toán, thanh tra đã chỉ ra rằng số lượng các doanh nghiệp vi phạm, không tuân thủ pháp luật là khá phổ biến, từ Luật đất đai, Luật đầu tư công đến Luật Quản lý tài sản công", ông nói.
Trong khi đó, về vi phạm nguyên tắc về thị trường, phần lớn DNNN tuân thủ cơ chế một cách chưa đầy đủ, gây thiệt hại cho Nhà nước. Còn vi phạm về kết quả tài chính, các doanh nghiệp phải báo cáo tài chính một cách trung thực, nhưng đều thực hiện không đúng, dẫn đến đánh giá về tình hình tài chính doanh nghiệp không chính xác, lúc lỗ giả, lúc lãi giả.
"Cuối cùng là vi phạm về quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có cơ chế quản trị, song hầu như những đơn vị được kiểm toán đều có những vi phạm, chỉ khác nhau ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau", ông cho biết.
Đáng lưu ý, với công tác cổ phần hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, công tác thẩm định, đánh giá doanh nghiệp trước cổ phần hóa chưa thực sự sát và phù hợp, dẫn đến trường hợp rất nhiều doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, mức độ định giá là rất thấp.
Năm 2016, KTNN đã kiểm toán kết quả định giá và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp Nhà nước, qua đó đã xác định vốn nhà nước tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng.
"Việc thẩm giá, định giá thấp cũng chưa thể nói là gây ra thất thoát, nhưng rõ ràng nếu căn cứ theo thẩm định đó, khi tổ chức thực hiện lại không theo cơ chế thị trường, không tiến hành đấu giá, không đưa ra niêm yết công khai để quan hệ cung cầu giải quyết thì sẽ dẫn đến thất thoát", ông Hiển nói.
Ngược lại, theo ông Hiển, nếu thực hiện đúng theo cơ chế thị trường, đưa ra niêm yết, đưa ra đấu giá công khai để cho nhiều đối tượng tham gia vào thì sẽ tránh được tổn thất, thất thoát về tài chính.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có thể thấy, định giá thấp là không lành mạnh, nên cần khắc phục. Hoặc thậm chí, nếu doanh nghiệp định giá quá cao so với giá trị thực, thị trường không chấp nhận, sẽ dẫn đến kéo dài quá trình cổ phần hóa, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí