Giáo dục

Phía bên kia câu chuyện Tiến sĩ lương 3 triệu/tháng và công bố quốc tế

"Khi bạn bắt đầu nghĩ đến tiền, bạn không làm được gì nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, sáng tạo, thậm chí là cả kinh doanh”, TS. Vương Quân Hoàng khẳng định.

TS. Vương Quân Hoàng là người có 18 công trình nghiên cứu được công bố, chấp nhận trên các tạp chí khoa học thế giới trong năm 2016. PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện mở với TS Vương Quân Hoàng về lương và công bố quốc tế.
1 10 1483072145674
Tiến sĩ Vương Quân Hoàng

Bức bối về tiền xung đột với năng lực sáng tạo

“Cần nhiều tiền không cho một nghiên cứu công bố quốc tế?”, tôi hỏi mở đầu những nổi cộm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học năm qua. “Tiền không có nhiều ý nhiều trong câu chuyện nghiên cứu khoa học”, TS. Vương Quân Hoàng đáp.

Ông chia sẻ thêm rằng, đối với một số ngành khoa học tự nhiên sẽ cần phòng thí nghiệm hiện đại nhưng nếu đổ lỗi vì thiếu tiền, thiếu cơ sở vật chất nên không có nghiên cứu đột phá thì không nên. Bởi, khi bạn có công trình tốt và năng lực thực sự, cơ hội thực tập, hợp tác ở các phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất thế giới luôn rộng mở.

“Không ai nghĩ vẽ tranh, viết nhạc để kiếm tiền mà xuất phát từ thôi thúc hoàn thiện bản thân, khám phá thế giới, chứng minh sự tồn tại trong cuộc đời. Đó cũng là ý nghĩa cơ bản của việc làm khoa học. Còn nghĩ về tiền thì không đúng nghĩa khoa học nữa.

Sinh thời, danh họa Van Gogh không bán một bức tranh nào được 50 USD cả (mặc dù em trai ông là nhà buôn tranh kì cựu). Hai năm trước khi chết, họa sĩ người Hà Lan vẽ đến 200 tác phẩm để đời.

Câu chuyện không nằm ở tiền. Khi bạn bắt đầu nghĩ đến tiền, bạn không làm được gì nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, sáng tạo, thậm chí là cả kinh doanh”, TS. Vương Quân Hoàng khẳng định.

Tôi hoài nghi “Mức lương tiến sĩ 3 triệu/ tháng thì làm thế nào để toàn tâm, toàn ý làm khoa học?”.

“Ai cũng cần sống cả - điều này đúng cơ bản, nhưng đó chỉ là một vế. Nhìn vào phía bên kia câu chuyện, nếu cho tiến sĩ lương 30 triệu/ tháng, liệu người ta có nghiên cứu và có công trình tốt không?”, ông trả lời.

“Tôi biết nhiều người như em, hỏi tôi câu đó cách đây 30 năm lúc họ rất nghèo, ở nhà tranh vách đất. Khi họ xây nhà lầu, mua xe ô tô, con cái đi học nước ngoài… họ vẫn nói câu đấy. Đến lúc 70 tuổi về hưu, họ vẫn không làm gì cả! Mệnh đề của em là một vế nhưng không nên dùng nó để khẳng định vế còn lại – rằng có 30 triệu/ tháng họ sẽ làm nghiên cứu khoa học tốt hơn”, TS. Vương Quân Hoàng nói.

Dẫn câu ngạn ngữ của người Pháp “Vouloir c'est pouvoir - Bạn muốn là bạn có thể”, ông Hoàng cho rằng, tiền không bao giờ là động cơ của những thành tựu lớn. Tiền, bức bối về tiền thậm chí sẽ xung đột với năng lực sáng tạo.

Mọi công trình giá trị đều xuất phát từ nguyện vọng

TS. Vương Quân Hoàng (giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh – FSB, ĐH FPT) tập trung vào công việc tìm hiểu đặc tính nền kinh tế Việt Nam. Miệt mài nghiên cứu và tận tâm trong khoa học, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách đây được sự chú ý về quản trị tài chính, kinh doanh và có rất nhiều bài báo, bài phân tích đăng trên các ấn phẩm uy tín.

18 tác phẩm công bố trên tạp chí khoa học quốc tế năm 2016 của TS. Vương Quân Hoàng tập trung vào 2 mảng chính: Kinh tế y tế (Health Economics) gồm quản trị sức khỏe công, y tế cộng đồng, các yếu tố kinh tế-xã hội của y tế dự phòng… và năng lực khởi nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam.

TS. Vương Quân Hoàng tâm sự, ngã rẽ đưa ông khám sâu vào lĩnh vực giao thoa giữa kinh tế và y tế xã hội đến từ những cú “va đập” tinh thần khi bạn bè, người thân bỗng mất đột ngột vì ung thư, suy sụp vì bệnh tật. Điều đó thôi thúc ông lặng lẽ chuyển hướng.



“Chưa bao giờ mức ảnh hưởng về kinh tế đối với sức khỏe, y tế xã hội, năng suất lao động lại lớn đến như thế. Phần lớn những yếu tố xã hội trong địa hạt y tế với bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo là những yếu tố rất nhạy cảm”, TS. Vương Quân Hoàng chia sẻ. “Cú lao đầu vào đá” ở mảng mới đã giúp ông hiểu tại sao bệnh nhân nghèo không cởi mở.

Ông đã có công trình công bố quốc tế về 4 xóm bệnh nhân tuyệt vọng ở Việt Nam. Họ là những số phận bị bỏ quên và TS. Vương Quân Hoàng từ nghiên cứu đã có kết luận đầy bất ngờ: Khi xã hội hỗ trợ nhóm người này bằng hiện vật thì sẽ làm họ thấy tuyệt vọng hơn, cảm giác như mình nhận của thừa, đứng bên lề xã hội.

Tâm lý này theo tiến sĩ Hoàng lại có nguyên nhân kinh tế sâu xa là trong bối cảnh khủng hoảng con người cần tính thanh khoản (tiền mặt) cao, một nguyên lý khá phổ biến trong kinh tế. Bên cạnh đó, một món đồ cưa đôi để phân phát cho người nghèo vẫn sẽ gây bất công và hơn nữa, họ mất chi phí giao dịch để biến món đồ được tặng thành tiền. Ở một nghiên cứu khác, ông cũng dùng dữ liệu thống kê để xác định xác suất khánh kiệt của bệnh nhân Việt Nam, đó là nghiên cứu trên thế giới dường như bị bỏ ngỏ.

Ông cho rằng, không phải tiền, không phải danh tiếng hay đãi ngộ…, điều giúp người làm khoa học có những công trình nghiên cứu giá trị đều xuất phát từ chính nguyện vọng và sự thôi thúc từ bên trong.

Độ bền, sự cởi mở trong nhận thức, khả năng hợp tác là 3 nguyên tắc quan trọng nhất trong công việc này. Ngoài ra, theo ông, kỹ năng tiếp cận thông tin, nền tảng cơ bản, khả năng ngoại ngữ, độ nhạy cảm cũng là những yếu tố cần thiết.

Người làm nghiên cứu khoa học giống như thợ mộc

Bàn về những “xôn xao” quanh số lượng công bố tạp chí quốc tế của Việt Nam năm 2016, TS Vương Quân Hoàng nhận định: “Năng suất và chất lượng công bố quốc tế của Việt Nam đang tăng rất nhanh. Tuy nhiên, vẫn chưa xứng với tiềm năng và quy mô của hệ thống người làm khoa học. Bởi lẽ, nếu chia đầu người, con số công bố quốc tế của một người làm nghiên cứu ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 0,2-0,3 bài/ năm”.

Thêm nữa, ông cho rằng, độ lệch giữa phát triển khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở nước ta rất đáng suy nghĩ. Xã hội chúng ta cũng đang giữ quan niệm thiên lệch ngay từ cấp phổ thông “giỏi Toán mới là giỏi”.

“Việc không nhận ra tầm ảnh hưởng của khoa học xã hội là một cản trở lớn, còn lớn hơn cả thiếu tiền. Lịch sử thế giới đã chứng minh: văn hóa là gốc của khoa học”. TS. Vương Quân Hoàng nhấn mạnh.

Theo ông, một tín hiệu đáng mừng là nhận thức cũng như mức độ tham gia vào nghiên cứu khoa học của người trẻ ngày càng tăng cùng với sức ép của thị trường và cơ hội tiếp cận mới. Với đòi hỏi ngày càng cao về cả số lượng, chất lượng trong cuộc sống, người làm khoa học cũng như người thợ mộc. Người thợ mộc phải đóng bàn ghế đồ dùng, giáo viên phải giảng dạy, thì nhà khoa học phải có công trình nghiên cứu.

Tôi thắc mắc với tiến sĩ Hoàng: “Vậy phẩm hay lượng quan trọng hơn? Và bao nhiêu là đủ?”

“Đừng nói phẩm quan trọng hơn lượng, anh phải làm để xã hội đánh giá. Người nghiên cứu nên dẹp quan niệm cả đời tôi làm nên một nghiên cứu tuyệt vời là đủ rồi, không cần làm nữa. Và hãy làm như một vận động viên điền kinh, còn 1/100s vẫn chạy”, ông nêu quan điểm.

Đề cập đến chất lượng học vị tiến sĩ, TS. Vương Quân Hoàng thẳng thắn: “Chúng ta đang cố gắng cấp một số bằng tiến sĩ không đúng với cả năng suất và chất lượng hệ thống”. Vì thế, ông ủng hộ và kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm đưa ra quy chế đào tạo tiến sĩ mới để nâng cao chất lượng. Nghiên cứu sinh muốn bảo vệ luận án tiến sĩ buộc phải có bài báo khoa học quốc tế, các giáo sư không có bài báo quốc tế thì không được hướng dẫn.

“Phải dũng cảm áp dụng hệ thống mới đánh giá mới này, dù có gây tranh cãi vì chúng ta đã thả lỏng quá lâu”, TS. Vương Quân Hoàng bày tỏ.

Tác giả bài viết: Lệ Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP