Tỉnh ta có đường bờ biển dài với vùng đặc quyền lãnh hải rộng trên 20.000km2 (gấp 2,5 lần diện tích đất liền). Ven biển có các đảo và 5 cửa sông chính cùng với thềm lục địa rộng, tạo cho tỉnh ta một ngư trường rộng lớn với nhiều nguồn tài nguyên biển quý hiếm và phong phú về loài, có giá trị cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản.
Những năm qua, sản lượng khai thác hải sản các loại của tỉnh ta không ngừng tăng. Sản lượng khai thác thủy sản quý I năm 2018 đạt 11.545 tấn (tăng 10,5% so với cùng kỳ); trong đó sản lượng khai thác đạt 10.057 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có 4.729 tàu cá với tổng công suất 750.222 CV, trong đó có 1.407 tàu từ 90 CV trở lên tham gia khai thác vùng đánh cá vịnh Bắc bộ, vùng biển xa, các tàu được trang bị đầy đủ ngư cụ, trang thiết bị khai thác phù hợp với ngư trường.
Kinh tế biển là một trong những thế mạnh của tỉnh ta. |
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, nhiều ngư dân tỉnh ta đã mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu vỏ thép công suất lớn. Đến nay, đã có 87 tàu đóng mới, nâng cấp hoàn thành đi vào sản xuất với tổng mức đầu tư 1.265 tỷ đồng. Ngoài ra, có 151 tàu cá được trang bị máy đài tàu Vx 1700; 1.153 tàu cá lắp đặt đài tàu tham gia khai thác trên vùng biển xa.
Nhờ đó, hàng năm, có trên 4.000 lượt tàu cá tỉnh ta tham gia hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển. Cùng với nâng cao năng lực khai thác đánh bắt hải sản, hoạt động hậu cần biển và dịch vụ nghề cá được các địa phương ven biển chú trọng. Hiện trên địa bàn các xã ven biển đã có hàng trăm cơ sở sản xuất nước đá, tham gia thu mua, chế biến thủy hải sản, qua đó tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động và người dân địa phương.
Không chỉ phát triển nuôi trồng thủy sản, với đường bờ biển dài, nhiều thắng cảnh đẹp, Quảng Bình còn là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch biển và ven biển. Nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 đưa Quảng Bình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á, thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí.
Đặc biệt, các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển nhằm tạo sự phát triển bứt phá như, quần thể Resort biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC, Trung tâm thương mại Vincom, sân golf Bảo Ninh - Hải Ninh, Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa - Đảo Yến... ngày càng đáp ứng được nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách; góp phần tăng thu nhập và từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nhờ đó, du lịch tỉnh ta đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều kết quả tích cực. Năm 2017, tổng số lượt khách đến với tỉnh ước đạt 3,3 triệu lượt (vượt 10% so với chỉ tiêu kế hoạch, tăng 70,9% so với cùng kỳ); trong đó khách quốc tế ước tăng gần 120% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.706,3 tỷ đồng; doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 621,37 tỷ đồng. Riêng dịp nghỉ lễ 30-4 năm 2018, đã có 184.000 lượt khách du lịch đến Quảng Bình (tăng 15% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế phát triển du lịch biển cũng như những cơ hội lớn để ngư dân vươn khơi làm giàu từ biển, vùng biển, hải đảo tỉnh ta đang đối mặt với không ít khó khăn thách thức liên quan đến vấn đề suy thoái nghiêm trọng nguồn tài nguyên và môi trường biển, sự gia tăng ô nhiễm trong các cộng đồng dân cư, tình trạng xâm nhập mặn, xâm thực của thủy triều và cả những nguy cơ tiềm ẩn do biến đổi khí hậu.
Tại nhiều điểm quan trắc, môi trường nước biển ven bờ đã bị ô nhiễm dinh dưỡng, ô nhiễm hữu cơ và kim loại. Nguyên nhân là do nguồn nước thải công nghiệp chủ yếu phát sinh từ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống hay các ngành công nghiệp đóng tàu làm phát sinh các chất thải nguy hại đến môi trường biển.
Kèm theo đó, việc nuôi trồng thủy sản nhiều nơi còn tự phát, không có quy hoạch làm phát sinh đáng kể lượng chất thải ra môi trường; sự phát triển nhanh của ngành du lịch biển trong khi công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một thích đáng khiến môi trường biển ngày càng bị đe dọa.
Nhằm bảo vệ môi trường biển, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trong đó tăng cường kiểm soát nguồn thải từ đất liền; chỉ đạo các cơ quan và địa phương liên quan tăng cường phối hợp quản lý công tác theo dõi, giám sát, cảnh báo và khắc phục sự cố môi trường biển.
Đồng thời, tỉnh cũng hoàn thiện các quy phạm pháp luật về thu gom và xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và du lịch; các quy định về quản lý chất thải rắn, quản lý hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; các quy định về quản lý môi trường đô thị và hoạt động khai thác khoáng sản ở vùng ven biển.
Trên cơ sở bám sát định hướng của tỉnh, các cơ quan chức năng cũng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá các nguồn thải, nước thải vùng cửa sông ven biển của tỉnh; xác định xu thế diễn biến chất lượng nước biển theo không gian và thời gian nhằm kịp thời phát hiện và cảnh báo các trường hợp ô nhiễm nước biển, các sự cố ô nhiễm môi trường; từ đó phục vụ cho việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo hiệu quả và bền vững.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng điều tra kiểm soát môi trường biển, Chi cục biển và hải đảo cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng 7 điểm quan trắc thường niên nước biển ven bờ, 4 điểm tại các cửa sông ven biển và thực hiện lấy mẫu, quan trắc, phân tích đánh giá chất lượng môi trường nước biển với tần suất 4 đợt/năm nhằm theo dõi hiện trạng và diễn biến chất lượng nước.
Người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường biển. |
Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường nước biển, bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển; đồng thời góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của các sự cố môi trường đến vùng ven biển trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các thành phần, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển, thời gian qua, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường biển, hải đảo cho cán bộ các ngành và cộng đồng dân cư thông qua lồng ghép với các sự kiện, như: kỷ niệm Tuần lễ biển và hải đảo, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học và hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”…
Đến nay, nhận thức bảo vệ môi trường của người dân tại một số địa phương ven biển ngày càng được nâng cao; nhiều nơi đã thành lập các tổ tự quản và dịch vụ thu gom rác thải, giữ gìn các bãi tắm ven biển.
Phát huy tiềm năng kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. “Để bảo vệ môi trường biển bền vững, điều quan trọng và có ý nghĩa lâu dài nhất vẫn chính là ý thức của người dân. Bởi hơn ai hết, mỗi người dân cần nhận thức rõ hành vi của mình, cùng nhau bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng luôn xanh - sạch”, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết thêm.
Tác giả: Th.Hải
Nguồn tin: baoquangbinh.vn