Chiều 27/6, ông Trần Hải Đăng Chỉ huy trưởng gói thầu XL02, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành thông tin, trong quá trình thi công cầu Sông Gianh (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), đơn vị đã phát hiện nhiều hang karst.
Hang karst là những hốc tự nhiên hình thành do sự hòa tan của đá vôi, thường có hệ thống hang động phức tạp và có thể ảnh hưởng đến địa chất khu vực.
Ông Đăng giải thích rõ hơn: “Hang karst là các vị trí địa chất nứt nẻ, không còn đồng nhất dẫn đến tạo ra các kẻ hở. Hay vị trí có đất bùn, đất rời rạc nằm trong kẽ hở của đá cũng được gọi là hang karst”.
Quá trình thi công cầu Sông Gianh, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn thị xã Ba Đồn, đã phát hiện nhiều hang động. |
Phát hiện này không chỉ là một sự kiện quan trọng về mặt địa chất dưới sông Gianh mà còn đặt ra nhiều thách thức cho đơn vị thi công. Họ buộc phải đưa ra nhiều biện pháp sao cho phù hợp với địa hình và cấu trúc địa chất mới phát hiện.
Ông Đăng thông tin, hang karst tại đây xếp tầng lên nhau, sâu từ 25-80m tùy từng vị trí. Ban đầu, thiết kế kỹ thuật đã xác định khu vực này có các hang trên. Sau khi khoan xuống vị trí này, nhà thầu đã bơm bê tông vào phần rỗng để cố định chắc chắn các trụ cầu.
Chỉ huy trưởng gói thầu XL02 chia sẻ thêm, thực tế cho thấy, việc xuất hiện hang kasrt chủ yếu tập trung ở những vùng địa chất đá vôi như Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình…
Cầu sông Gianh bắc qua sông Gianh nằm trên địa bàn xã Quảng Lộc, Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) dài khoảng 2,6km - là cây cầu dài nhất trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đoạn qua Quảng Bình và nằm trong tốp những cây cầu dài nhất Việt Nam.
Cầu Gianh được thiết kế rộng 17,5m, có 4 làn xe. Cầu dự kiến thông xe kỹ thuật vào lễ Quốc khánh 2.9.2024.
Tác giả: Ngô Thị Huyền
Nguồn tin: nguoiduatin.vn