Ngày 8/3, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết địa phận Vườn hiện có nhiều cá thể bò tót đang sinh sống tại các vùng sinh cảnh khác nhau.
Theo đó, thông qua việc đặt bẫy ảnh, nhóm nghiên cứu khoa học của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ghi nhận 13 đến 17 con bò tót trong địa phận.
"Hiện các nhân viên của Vườn khảo sát các khu vực có xuất hiện bò tót để tháo gỡ bẫy, bảo vệ tốt sinh cảnh cho loài động vật quý hiếm này", ông Tịnh nói.
Hình ảnh một cá thể bò tót sinh sống ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mà bẫy ảnh thu được. Ảnh: VQG Phong Nha Kẻ Bàng cung cấp. |
Bò tót (có tên khoa học là Bos gaurus) là động vật thuộc bộ Guốc chẵn (Artiodactyla), họ Trâu bò (Bovidae) có lông màu sẫm và kích thước lớn, sinh sống chủ yếu ở vùng đồi của Ấn Độ và Đông Nam Á. Tên gọi khác của bò tót là bò rừng Mã Lai hay bò rừng bizon Ấn Độ.
Bò tót ở Việt Nam được xếp vào nhóm bò tót Đông Dương hay bò tót Đông Nam Á (có tên khoa học là Bos gaurus laosiensis hay Bos gaurus readei) được sách đỏ thế giới xếp vào nhóm động vật quý hiếm loại 1B, bảo tồn ở mức sắp nguy cấp.
Đặc điểm ngoại hình và di truyền của bò tót ở rừng Việt Nam được xếp thành phân loài riêng, là loài bò tự nhiên to nhất thế giới với những con đực cao đến 2,2 m, nặng trên 2 tấn.
Thời gian qua, việc đặt bẫy ảnh ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng ghi nhận sự xuất hiện của một số loài thú quý hiếm khác như sao la, gấu, sơn dương...
Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Google Maps. |
Tác giả: Văn Được
Nguồn tin: zing.vn