Điện thoại nhãn THT |
Hồi 4 giờ 30 ngày 3/1/2018 tại khu vực cần barie Trạm kiểm soát biên phòng (trong khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh) thuộc xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, qua tin báo của quần chúng nhân dân, Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Quảng Đức, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh, phát hiện ông Nguyễn Văn Ninh, trú tại khu 3, phường Hải Hòa, tỉnh Quảng Ninh vận chuyển hàng không có chứng từ hợp pháp.
Hàng hóa vi phạm thu giữ được gồm 398 điện thoại di động hiệu THT phone do Trung Quốc sản xuất mới 100% (trong đó 300 chiếc có pin, không có ốp lưng máy, không sạc; 98 chiếc không có pin; không có ốp lưng máy, không sạc). Trị giá lô hàng ước tính khoảng 74 triệu đồng.
Cũng trong ngày 3/1 tại cảng Cát Lái, lực lượng chức năng phát hiện công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tin học Nguyên Thảo và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phong Nhi (TP.HCM) có hành vi nhập khẩu hàng cấm, khai khống hàng có trị giá lớn để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.
Thông tin cho biết, hai lô hàng được doanh nghiệp mở tờ khai hải quan từ ngày 18/12/2017. Trên tờ khai hải quan, công ty Nguyên Thảo khai báo hàng hóa nhập khẩu gồm adaptor vi tính Dell, vỏ máy vi tính, phần mềm quản lý nhân sự, tờ giấy chứa phần mềm, tất cả hàng hóa mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Trị giá lô hàng trên 1,8 triệu USD.
Trong khi đó công ty Phong Nhi cũng khai báo hàng hóa tương tự như trên, trị giá lô hàng gần 1,9 triệu USD.
Qua khám xét, lực lượng chức năng phát hiện số lượng hàng không khai báo hải quan lên tới 1.873 máy tính xách tay, 51 ổ cứng, 21 CPU, 2 chiếc iPad. Tất cả đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.
Hàng khai khống có trị giá lớn gồm phần mềm quản lý nhân sự và phần mềm kế toán trị giá hơn 3,67 triệu USD. Nhưng kết quả kiểm tra thực tế không có hai phần mềm này.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, các chi cục địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm thuộc cảng biển, cảng hàng không quốc tế, đang diễn ra tình trạng đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách thông quan qua việc phân luồng tự động để buôn lậu hàng hóa có giá trị cao, xuất nhập khẩu hàng cấm, hàng có điều kiện với thủ đoạn tinh vi; tạo ra sự dịch chuyển hàng hóa về các địa bàn lân cận - là những nơi chưa có điều kiện máy móc, trang thiết bị chưa đầy đủ, lạc hậu, việc quản lý còn lỏng lẻo - nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan hải quan, điều này sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách của đơn vị, làm cho môi trường hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hóa trong nước gặp nhiều khó khăn; gây hại cho sức khỏe, tính mạng con người, làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và an toàn xã hội, từ đó phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian qua đã chủ động xây dựng nhiều chuyên đề, kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại; qua đó, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, đối tượng sử dụng phương thức và thủ đoạn rất tinh vi như: Không khai hoặc khai sai tên hàng, số lượng với trị giá lớn; lợi dụng thông quan điện tử luồng xanh, vàng... để đưa hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu có điều kiện... vào thị trường nội địa tiêu thụ...
Dự báo, vào thời điểm gần Tết nguyên đán 2018, bước sang quý I năm 2018 là dịp diễn ra các ngày lễ hội lớn, yếu tố cung cầu lưu thông hàng hóa và sức tiêu thụ của người tiêu dùng có khả năng tăng mạnh, dẫn đến cơ hội cho đối tượng bất chính liều lĩnh thực hiện buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ... với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, táo bạo.
Trước tình trạng trên, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Trong đó tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có các mặt hàng như điện thoại di động, hàng điện tử...
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí