Xã hội

Phanh phui tiêu cực, nhà báo dễ bị đe đọa, hành hung

Theo bà Phạm Phương Thảo, cựu Chủ tịch HĐND TP.HCM, quá trình hành nghề, nhà báo gặp không ít khó khăn, thậm chí bị đe dọa, hành hung, trả thù... khi đưa tin bài phanh phui các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.

Sáng 24-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cùng Sở TT&TT và Hội Nhà báo tổ chức tọa đàm “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay”.

Phát huy vai trò báo chí trong chống tham nhũng, suy thoái

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng thời gian qua báo chí đã phản ánh cuộc sống nhiều chiều, tích cực nêu gương nhân tố mới cùng với tích cực đấu tránh chống lãng phí, tiêu cực. Nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng báo chí vẫn còn những tồn tại không nhỏ, nổi lên là thông tin sai sự thật, thậm chí là bịa đặt, suy diễn gây bức xúc trong xã hội.

Bà Phạm Phương Thảo phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TÁ LÂM

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng nghề nào cũng đòi hỏi phải có đạo đức nghề nghiệp nhưng nghề báo càng đòi hỏi cao bởi tính đặc thù của công việc, bởi sự lan tỏa, ảnh hưởng đến xã hội nhanh, rộng và tức thời.

Theo bà Thảo, làm báo hiện nay thuận lợi hơn nhưng rủi ro hơn. “Thông tin nhiều chiều trên mạng nhưng không dễ sàng lọc, kiểm chứng. Điều kiện làm việc tốt hơn nhưng cũng dễ tạo cảm giác chủ quan và có thể gây ra những bệnh nghề nghiệp khó lường.

Quá trình hành nghề cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí bị đe dọa, hành hung, trả thù... khi đưa tin bài phanh phui các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Cũng có nhiều trường hợp nhà báo tác nghiệp trong những điều kiện hiểm nguy...” – bà Thảo nói.

Từ đó, bà Thảo cho rằng cần tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan báo chí và nhà báo trong việc đấu tranh phòng chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng nhà báo cần bám sát cuộc sống đưa nhiều thông tin về những mặt tích cực. Bởi theo bà , những bài báo tích cực mang tính nhân văn luôn thu hút được nhiều người đọc quan tâm như hình ảnh thầy Lô Văn Thanh (Nghệ An) ngồi vá áo cho học sinh rất xúc động.

Nhìn ở góc độ làm báo trong bối cảnh bùng nổ kỷ nguyên số, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cho rằng trước sức ép cạnh tranh về tốc độ đưa tin, một số cơ quan báo và nhà báo đang bị cuốn hút vào cuộc đua này.

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Tuyến cho rằng, điểm “chết người” hiện nay là việc săn tin, đưa tin theo mạng xã hội một cách thiếu kiểm chứng, làm nảy sinh thuật ngữ “làm báo facebook” – nhất là những người làm báo trẻ mới vào nghề và một số báo điện tử. Điều này đang gây rối loạn thông tin.

Hiện tượng quay cóp, cắt dán, phát tán thông tin xấu trở nên phổ biến. “Hầu như một sự việc gì xảy ra ở đâu, chỉ cần một trang mạng điện tử đưa tin trước, sau đó các báo khác đều đăng tải với nội dung rất giống nhau” – ông Tuyến nói.

Từ phân tích đó, ông Tuyến cho rằng báo chí cần trung thực trong thông tin. Bất cứ tờ báo nào cũng phải đảm bảo quy trình xuất bản từ phóng viên thư ký tòa soạn đến tổng biên tập. Cần rà soát nguồn mạch của thông tin, thẩm định kỹ, tránh tình trạng cạnh tranh đưa tin nhanh để câu view hoặc tệ hơn là lợi ích riêng, lợi ích nhóm của nhà báo, tờ báo để đưa tin với ý đồ cá nhân.

“Khi việc kiểm soát của Ban Biên tập mạnh mẽ, chặt chẽ sẽ tránh được tình trạng bôi đen, tô hồng, dựng chuyện không có thật, lan truyền thông tin xấu, độc hại” – ông Tuyến nói.

Tâm không sáng dễ sa vào sai lầm

Bà Lê Thị Bình Minh – Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng đội ngũ phóng viên, biên tập viên hiện nay đang phải đối mặt với “guồng hút”, sự cám dỗ của một số chiêu trò. Nếu người làm báo tâm không trong sáng và bản lĩnh thiếu kiên định sẽ dễ sa vào tình trạng nhận thức thiếu đúng đắn và xác định sai hướng đi, dẫn đến sai lầm và lệnh lạc trong hoạt động nghề nghiệp.

Bà Lê Thị Bình Minh – Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TÁ LÂM

Để thực hiện tốt quy chuẩn đạo đức người làm báo, bà Minh đề xuất năm giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy xây dựng, tổ chức các chương trình, hình thức đào tạo về lý luận chính trị riêng, phù hợp đặc thù của các cơ quan báo chí như đào tạo online, đào tạo từ xa...

Nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu các cơ quan báo chí, đại tá Trần Trọng Dũng, Tổng Biên tập báo Công an TP.HCM, cho rằng một tờ báo có đạo đức báo chí thì đầu tiên đòi hỏi tổng biên tập có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn sâu rộng và sự tử tế.

“Nếu tổng biên tập cổ súy hay thấy các phóng viên có những biểu hiện vi phạm đạo đức trong quá trình tác nghiệp như cố tình bịa đặt, sao chép hoặc ‘đánh hội đồng doanh nghiệp’, xâm phạm bí mật đời tư… mà không kip thời uốn nắn thì phóng viên có vi phạm sẽ coi là sếp đã bật đèn xanh cho làm” - ông Dũng nói và cho rằng sự gương mẫu của tổng biên tập trong việc thực thi đạo đức là cực kỳ quan trọng.

Tác giả: TÁ LÂM

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP