Thần tốc xây dựng: khởi công tháng 9/2023, hoàn thành tháng 6/2024
Đây là một nhiệm vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong công điện gửi tới các bộ ngành và doanh nghiệp liên quan, yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu trong thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư thuộc dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Phố Nối, Hưng Yên theo đúng quy định để có thể khởi công xây dựng các dự án thành phần sớm nhất có thể; phấn đấu khởi công vào tháng 9 năm 2023. Trong quá trình thực hiện tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm…
Đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 dài 1487 km, gồm 3.437 cột điện tháp sắt đi qua 17 tỉnh thành. Ngày 5/4/1992, công trình được khởi công và sau 2 năm xây dựng thần tốc, vừa thiết kế, vừa thi công, ngày 27/5/1994 đã được đóng điện vận hành. |
Trước đó, tại văn bản 745/TTg-CN ngày 15/8/2023, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cùng Uỷ ban Quản lý vốn tập trung chỉ đạo, lãnh đạo triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng Dự án đường dây truyền tải 500 kV từ Quảng Trạch ra các tỉnh Bắc bộ (đến Phố Nối), hoàn thành trong tháng 6/2024 để tăng cường năng lực truyền tải ra các tỉnh Bắc bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng năm 2024.
Bộ Công thương lập kế hoạch cụ thể, đường găng tiến độ triển khai các bước của Dự án và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc bảo đảm tiến độ hoàn thành nêu trên.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối có tổng chiều dài 514 km, bao gồm 4 dự án thành phần.
Đó là Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài 226 km; Dự án đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa dài 91 km; Dự án đường dây 500 kV Thanh Hóa - Nam Định 1 dài 73 km và Dự án đường dây 500 kV Nam Định 1 - Phố Nối dài 123 km.
Dự án này đang được xem là một cứu cánh quan trọng, giúp tăng năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ khoảng 2.200 MW hiện nay lên khoảng 5.000 MW, góp phần bổ sung nguồn cung điện cho miền Bắc khi nhu cầu nơi đây vẫn tiếp tục tăng mạnh mà nguồn cung tại chỗ lại heo hắt.
Theo trình tự hiện hành, để thực hiện đầu tư các dự án này, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) sẽ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre FS) lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông qua và sau đó EVNNPT trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, EVNNPT sẽ lập Báo cáo khả thi dự án đầu tư (FS) để trình Bộ Công thương thẩm định thiết kế cơ sở, sau đó trình Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt để EVN ra quyết định đầu tư.
Sau khi FS được phê duyệt mới tiến hành lập thiết kế kỹ thuật. Sau khi thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu, sau đó mới đến giai đoạn tiến hành khởi công xây dựng công trình.
Với quy mô của dự án này và những thách thức nhìn thấy được trước qua quá trình triển khai thực tế các dự án truyền tải trước đó, vấn đề tường minh các thách thức, trở ngại để chung tay vào giải quyết, nhằm đẩy tiến độ của dự án được nhanh chóng là vấn đề quan trọng nhất.
Thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ
Tính đến ngày 21/8/2023, Dự án Đường dây 500 kV Nam Định I - Phố Nối và Đường dây 500 kV Nam Định I - Thanh Hoá đã được EVNNPT trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản xin ý kiến các Bộ, địa phương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá, ngày 18/8/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Theo báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu được thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Dự án này sẽ xây dựng mới đường dây 500 kV gồm 2 mạch, chiều dài 225,5 km với điểm đầu là sân phân phối 500 kV Trung tâm điện lực Quảng Trạch và điểm cuối là gần trạm biến áp 500 kV Quỳnh Lưu.
Đây là công trình năng lượng cấp đặc biệt nhóm A với thời gian hoạt động là 40 năm. Thời gian thực hiện dự án được dự kiến từ năm 2023 đến năm 2025, phấn đấu đóng điện vào tháng 6/2024.
Tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 10.110 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay thương mại dự kiến là 70% giá trị tổng mức đầu tư (chưa bao gồm VAT) và vốn chủ sở hữu là khoảng 30% giá trị tổng mức đầu tư được phân bổ theo kế hoạch.
Với tính chất dự án thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh và có nhu cầu đề nghị 3 tỉnh giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không qua đấu giá nên căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư, Dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Với Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có tổng chiều dài khoảng 91,8 km cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Kết quả thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư lên Chính phủ.
Đây cũng là công trình năng lượng cấp đặc biệt nhóm A với thời gian hoạt động là 40 năm, có thời gian thực hiện dự án được dự kiến từ năm 2023 đến năm 2025, phấn đấu đóng điện vào tháng 6/2024.
Tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 4.116 tỷ đồng.
Đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) dài gần 742 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố được khởi công tháng 12/2018 và hoàn thành vào tháng 8/2022. |
Cũng giống như Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá có nhu cầu đề nghị 2 tỉnh giao/cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không qua đấu giá, nên thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư.
Tính tới thời điểm ngày 5/9/2023, hai dự án đã có tờ trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư gửi tới Chính phủ vẫn chưa có thông tin gì về phê duyệt chủ trương đầu tư.
Được biết, hiện 3 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đã đã có tờ trình về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định. Còn Hà Tĩnh cũng đang phấn đấu để trong ít ngày nữa có hồ sơ trình ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các chuyên gia ngành điện cũng cho hay, với các dự án đường dây có liên quan đến đất rừng này thì việc duyệt Chủ trương đầu tư cũng gắn liền với duyệt Chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Tuy nhiên tại các dự án đường dây 500 kV mạch 3 này, rất có thể vì tính chất cấp bách, Chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sẽ có thể được duyệt chậm hơn.
Cũng để chuẩn bị nguồn vốn cho thực hiện dự án, EVNNPT đã làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, VIB, Bank of China (Hồng Kông) Chi nhánh TP.HCM để thu xếp khoản vốn vay tổng cộng lên tới 16.000 tỷ đồng cho Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối.
Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu có diện tích móng cột chiếm vĩnh viễn phải chuyển đổi mục đất sử dụng đất và mục đích sử dụng rừng là 136,45 ha. Trong đó có 11.22 ha đất lúa; 12,29 ha đất rừng đặc dụng; 30,49 ha đất rừng phòng hộ; 75,63 ha đất rừng sản xuất và 6,19 ha đất ngoài lâm nghiệp. Diện tích hành lang tuyến cần 721,54 ha; trong đó đất lúa là 133.74 ha; đất ở là 1,28 ha; đất rừng đặc dụng là 33,42 ha; đất rừng phòng hộ là 118,14 ha; đất rừng sản xuất là 337,22 ha và đất khác là 99,02 ha. Diện tích đất ảnh hưởng do thi công làm đường tạm cũng được tính là 39,95 ha. |
Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa có diện tích móng cột chiếm vĩnh viễn phải chuyển đổi mục đất sử dụng là 40,82 ha. Trong đó đất lúa 2 vụ là 11,68 ha; đất rừng phòng hộ là 7,62 ha; đất rừng sản xuất là 14,54 ha và đất khác là 6,98 ha. Diện tích hành lang tuyến cần 291,84 ha; trong đó đất lúa 2 vụ là 115,28 ha; đất rừng phòng hộ là 38,73 ha; đất rừng sản xuất là 59,8 ha và đất khác là 78,84 ha. Diện tích đất ảnh hưởng do thi công làm đường tạm cũng được tính là 114,6 ha gồm đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và đất ngoài lâm nghiệp. |
Tác giả: Thanh Hương
Nguồn tin: Báo Đầu tư