Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ. Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao một nơi được coi là khó tinh giản như Thủ đô với bộ máy công chức, viên chức thuộc vào hàng đứng đầu cả nước lại có thể đạt được kết quả ấn tượng như vậy?
Câu hỏi nằm ở việc các cấp ủy Đảng của thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền tới các quận, huyện, thị xã, ban, sở, ngành đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi thẩm quyền được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Khi đưa ra giải pháp đến năm 2021 phấn đấu giảm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập, vấn đề được Hà Nội tái khẳng định là tiếp tục tăng cường đổi mới cơ chế quản lý theo hướng phân cấp, phân quyền, hướng tới trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm cả về tài chính, thực hiện nhiệm vụ và bộ máy tổ chức, biên chế.
Cũng trong câu chuyện này, xin nhắc lại một việc. Có lần, qua giám sát từ thực tế ông Trương Minh Hoàng- Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau (nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) từng nhắc đến những bất cập khiến cho quá trình tinh giản biên chế bị chậm. Đó là việc công chức muốn xin nghỉ nhưng phải đảm bảo điều kiện 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ và hồ sơ phải được sự đồng ý phê duyệt từ Bộ Nội vụ. Một công chức địa phương đã ở tuổi xế chiều ngấp nghé nghỉ hưu chỉ còn 2-3 năm công tác muốn xin nghỉ cũng phải chờ sự đồng ý từ Bộ Nội vụ. Thật là khó khăn. Nhưng đó cũng là sự thật “đúng quy định”, nên càng thấy phải đặt vấn đề cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Xin được nhắc lại rằng Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tôn trọng, tận tụy phục vụ nhân dân.
Chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp trên; trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, chính quyền cấp dưới được thực hiện các quyền của chính quyền cấp trên nếu có đủ điều kiện bảo đảm thực hiện”.
Điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương (hay được gọi là quyền tự quyết) trong đó có vấn đề là quan trọng là con người. Thế nhưng bộ máy lại luôn chịu sự phê duyệt từ cấp trên thay vì quyền tự quyết phù hợp với thực tiễn địa phương như dẫn chứng được ông Hoàng nhắc đến nêu ở trên là một ví dụ về sự bất cập.
Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và giai đoạn 2011-2020 đã đưa ra các trụ cột: Cải cách thể chế, về thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đã định tính, định lượng các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới trong hoạt động của bộ máy hành chính, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền địa phương và cán bộ, công chức.
Vừa qua, Hội đồng thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương họp bàn cho ý kiến đã có nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề lớn và cần được quan tâm nhất là phân cấp, phân quyền mà đặc biệt là phải quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ để tránh ôm đồm công việc.
Đó là việc cần phân tách và làm rõ khái niệm nguyên tắc phân cấp và nguyên tắc phân quyền, tách bạch rõ vai trò của Chính phủ và chính quyền địa phương đồng thời phải làm sao để bảo đảm được tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, tập trung vào việc tinh gọn và thu gọn bộ máy.
Thế nhưng, để xây dựng một chính quyền địa phương dám chịu trách nhiệm, gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân không gì bằng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi được phân cấp, phân quyền theo hướng bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp chính quyền. Nếu không đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tinh giản biên chế, e rằng mục tiêu giảm 10% biên chế đến năm 2021 sẽ khó thành công khi 3 năm đầu đã trượt kế hoạch.
Tác giả: Hoài Vũ
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết