Thực tế nhức nhối này được các chuyên gia, doanh nghiệp nêu lên tại hội thảo "Lập lại thị trường phân bón Việt Nam" sáng 28/9.
Theo ông Nguyễn Hạc Thuý - Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón, tình hình sản xuất phân bón bằng công nghệ “cuốc, xẻng”, nhái nhãn mác, bao bì các thương hiệu nổi tiếng đã giảm đi rõ rệt. Nhưng sản phẩm không bảo đảm về chất lượng lại đang nở rộ gây bức xúc, thiệt hại cho bà con nông dân.
Thống kê của Hiệp hội Phân bón cả nước có từ 800-1.000 cơ sở sản xuất mặt hàng này. Trong đó, gần 50% số mẫu phân bón được kiểm tra không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật về tổng chất lượng dinh dưỡng, mập mờ hàm lượng trên vỏ bao bì... gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.
Phân bón giả đang trở thành hiện tượng phổ biến, gây hại cho người tiêu dùng. Ảnh: Báo Hải quan
“Thị trường phân bón trong nước sản xuất tự phát, nơi nào làm được thì cứ làm, chưa có một cuộc cách mạng lập lại trật tự. Sản phẩm giả không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, đại lý kinh doanh mà còn len lỏi vào cả phòng kiểm nghiệm, kiểm định”, ông Thuý nêu thực tế.
Chỉ ra hàng loạt các vụ vi phạm trong kinh doanh phân bón giả bị phát hiện, khởi tố nhưng tới giờ vẫn “chìm nghỉm” hoặc chỉ bị xử lý hành chính, vị Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón nghi ngờ về lợi ích nhóm, bảo kê của lực lượng thi hành công vụ trong những vụ việc này. “Các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại, trục lợi bất chính”, ông Thuý bình luận.
Dẫn lại vụ việc xảy ra gần đây khi Văn phòng thường trực 389 kiểm tra, phát hiện 1/3 sản phẩm của Công ty Cổ phần Phân bón Thuận Phong (Đồng Nai). Dù Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo nhưng địa phương lại tự ý tha và chỉ xử lý hành chính với doanh nghiệp này. “Việc này có nên cho là điển hình về lợi ích nhóm hay không? Các bộ ngành nghĩ sao?”, ông Thúy đặt câu hỏi.
Hiện thị trường Việt Nam có khoảng 5.700 sản phẩm phân bón, trong khi các nước trên thế giới chỉ có khoảng 300 sản phẩm. Có quá nhiều sản phẩm nên dù là người có chuyên môn ông Nguyễn Huy Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, bản thân trong nhiều trường hợp cũng không thể nhận biết được phân bón thật – giả trên thị trường.
“Nói vậy để thấy mức độ làm giả của các đối tượng rất tinh vi, nhưng chế tài xử phạt hiện quá nhẹ. Chưa kể quy định thế nào về phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn chưa rõ ràng giữa các bộ, ngành... khiến nông dân phải đối diện với ma trận phân bón trên thị trường”, ông Cường nêu.
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, kết quả kiểm ra xử phạt sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng bình quân mỗi năm ghi nhận gần 4.000 vụ. Năm 2013 và 6 tháng cuối năm 2014, cơ quan này đã kiểm tra vi phạm hơn 5.300 sai phạm, xử phạt gần 1.500 vụ.
Nhưng ông Cường cho rằng, dù phát hiện nhiều nhưng chế tài xử phạt không đủ mạnh, chủ yếu vẫn là phạt hành chính. “Doanh nghiệp họ chấp nhận nộp phạt bởi tiền xử phạt quá ít, chỉ như kiểu “gãi ghẻ” nên họ cứ nộp phạt xong lại làm tiếp”, ông nói.
Một bất cập khác được ông Lương Quốc Đoài – Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thẳng thắn chỉ ra, trên thị trường đang có đến vài nghìn chủng loại, nhãn hiệu phân bón của doanh nghiệp sản xuất cung ứng, khiến nông dân rơi vào “ma trận” khi chọn lựa mặt hàng này. “Số lượng sản phẩm quá lớn, bà con không thể nhớ, hiểu được tác dụng; không có cách nào nhận biết, phân biệt được phân bón thật, giả. Đây là kẽ hở để các đối tượng làm ăn gian dối lợi dụng để gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng”, ông Đoài chia sẻ.
Ông Bùi Mạnh Tiến - Tổng giám đốc Công ty Đạm Cà Mau thì cho rằng, thị trường đang quá dễ tính nên đã vô tình tạo “đất” cho các doanh nghiệp sản xuất không nghiêm túc có cơ hội làm bậy. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có quá nhiều nhà sản xuất phân bón. “Khi số lượng quá nhiều, sự cạnh tranh vượt quá mức cần thiết thì để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đành phải làm bậy”, ông phân tích.
Để lập lại thị trường, các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 202 về quản lý phân bón theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương khi để xảy ra những vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng... Trong thời gian chờ đợi sửa đổi thì nên thống nhất một cơ quan quản lý mặt hàng này, thay vì có tới 2 cơ quan cùng "quản" hiện nay là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, để dễ "truy" trách nhiệm, đánh giá đúng về thực trạng thị trường...
Tác giả bài viết: Anh Minh