Kinh tế

Ông Vũ Tiến Lộc: “Thoái 2% vốn Nhà nước, cổ phần hóa chậm và chưa thực chất”

Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI, quá trình cổ phần hóa DNNN trong thời gian vừa qua diễn ra chậm và chưa thực chất khi tỷ lệ vốn Nhà nước được bán ra không đáng kể. Trong khi đó, đây phải là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh bình đẳng với DNNN hoặc mua cổ phần để trở thành đồng sở hữu, chủ sở hữu mới DNNN.

Cổ phần hóa DNNN vẫn mới chỉ chú trọng về số lượng


Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế 2017 với chủ đề “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2017” đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay (2/12), ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng và hơn thế, kinh tế tư nhân phải là động lực chính để phát triển nền kinh tế.

Trong cơ cấu lại nền kinh tế, một trụ cột chính là cơ cấu lại khu vực DN Nhà nước (DNNN), mục tiêu hết sức cụ thể là giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại những lĩnh vực không cần nắm giữ.

“Tôi nghĩ việc thoái vốn của Nhà nước tại các DN sẽ tạo nên niềm vui và động lực, cơ hội cho khu vực tư nhân”, ông Lộc nhận định.

Theo đó, cơ hội lớn nhất của các DN tư nhân đó là có được một sân chơi bình đẳng để cạnh tranh với các DNNN.

Bên cạnh đó, hiện nay các DNNN vẫn đang nắm giữ những cơ hội kinh doanh và nguồn lực lớn nhất trong nền kinh tế, nên khi Nhà nước thoái vốn thì sẽ tạo cơ hội cho những DN tư nhân có thể mua cổ phần và trở thành cổ đông, nhà đầu tư chiến lược của DNNN. Đây là cơ hội quan trọng để những thành phần DN tư nhân trở thành người đồng sở hữu hoặc là chủ sở hữu của DNNN.

Tuy vậy, ông Lộc cũng nhìn nhận, để có thể chuyển hóa cơ hội trở thành thực tiễn thì phải có những giải pháp rất cụ thể và quyết liệt trong tiến trình cổ phần hóa.

Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI, với kết quả sắp xếp lại được 558 DN, cổ phần hóa 479 DNNN giai đoạn 2011-2015, đạt 93% kế hoạch thì “không có ý nghĩa gì nhiều” vì trên thực tế số vốn thoái ra không đáng bao nhiêu, chỉ chiếm tỷ lệ 2%, dẫn đến sự thay đổi về quản trị DN chưa cải thiện được nhiều.

“Tôi đánh giá cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua vẫn là một quá trình rất chậm và chưa thực chất”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Một số DNNN thực chất chỉ là chuyển sang công ty cổ phần về “bề mặt” trong khi cổ phần được bán cho tư nhân rất nhỏ, không có nhà đầu tư chiến lược. Có những trường hợp, đối tác mua cổ phần của DNNN này lại chính là một, một số DNNN khác. Xét chung vẫn là sở hữu chéo lẫn nhau.

“Tôi hy vọng làm sao tất cả các DN tư nhân, DNNVV có thể tham gia vào quá trình tái cấu trúc này. Làm sao để các DN tư nhân sẽ có thể đóng vai trò nòng cốt trong phát triển nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Theo đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nhìn nhận, quá trình rút lui của các DNNN theo nghĩa nào đó phải là sự tiến lên của DN tư nhân trong nước chứ không chỉ là nhường sân chơi cho DN FDI.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP