Kinh tế

Ông Trương Gia Bình: Doanh nhân 4.0 càng phải dấn thân, đổi mới

Chủ tịch FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Trương Gia Bình cho rằng các doanh nhân thời đại 4.0 cần tự thay đổi mình để lớn lên cho xứng đáng với kỳ vọng của một Chính phủ kiến tạo.

Ngày 7/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Xin ông chia sẻ về quyết định thành lập Ban IV được đưa ra trong bối cảnh như thế nào?

- Ban IV được Thủ tướng thành lập sau thời gian rất ngắn từ khi có cuộc đối thoại với doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cuối tháng 7. Điều này thể hiện tinh thần "nói đi đôi với làm" khi Thủ tướng thực hiện ngay một trong những kiến nghị đầu tiên của Diễn đàn, đó là xây dựng hợp tác công tư trong lĩnh vực cải cách hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Thành lập Ban IV cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển cũng như nâng cao vai trò, vị thế của khối này trong nền kinh tế.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT - vừa được giao làm Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: L.A

- Vậy nhiệm vụ của Ban IV được Chính phủ gửi gắm là gì, thưa ông?

- Ban IV được giao chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia.

Với nhiệm vụ đó, các thành viên của Ban IV hiểu rằng sẽ có hai thách thức không nhỏ đặt lên vai mình. Một là, cần tạo điều kiện, môi trường không chỉ thuận lợi mà còn phải mang tính cạnh tranh tầm cỡ toàn cầu cho khối doanh nghiệp tư nhân. Hai là, làm sao để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tự phấn đấu để vươn lên, nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Giờ quả là hơi sớm để nói cụ thể những việc Ban IV sẽ làm. Tuy nhiên, từ nhiệm vụ được giao, trước mắt chúng tôi sẽ tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xem vấn đề gì là trọng yếu nhất và sẽ đưa ra những đề xuất đầu tiên trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần xây dựng cấu trúc tổ chức để làm sao hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.

- Ngoài ông, Ban IV còn có 5 thành viên khác là Tổng giám đốc Vina Capital Don Di Lâm, Chủ tịch Thiên Minh Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Geleximco và ABBank Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương Mai Hữu Tín và Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận Nguyễn Hoàng Anh. Ông có thể lý giải về tiêu chí lựa chọn các doanh nhân là thành viên của Ban?

- Theo tôi, các thành viên của Ban được chọn có thể trên 3 tiêu chí sau. Một, họ đều là những doanh nhân tự thân đã khẳng định được vị trí của mình với quá trình phấn đấu ấn tượng. Hai là họ không chỉ có tầm mà quan trọng hơn, phải có tâm với các vấn đề đại cục của đất nước. Ba là các thành viên này đang hoạt động trong những lĩnh vực trọng yếu mà Việt Nam sẽ có tiềm năng phát triển trong tương lai như nông nghiệp, du lịch, tin học, công nghiệp và đầu tư nước ngoài.

- Như ông nói, Thủ tướng đã thể hiện "nói đi đôi với làm" khi có những hành động quyết liệt nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Vậy trong bối cảnh Chính phủ kiến tạo và hành động như vậy, trách nhiệm của các doanh nhân cần phải thay đổi ra sao?

Ông Trương Gia Bình tin rằng, nếu mỗi người Việt đều có tinh thần doanh nhân, Việt Nam sẽ vào hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới. Ảnh: V.A.

- Thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp gỡ đối thoại cùng doanh nghiệp, doanh nhân với tần suất liên tục, ở nhiều cấp khác nhau. Điều này khẳng định vị trí quan trọng của doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng Chính phủ kiến tạo thì về phần mình, doanh nghiệp cũng phải đổi mới tự nâng cao năng lực, có trách nhiệm hơn nữa để xứng đáng với sự mong mỏi ấy.

Nhiệm vụ đầu tiên của mỗi doanh nhân, theo tôi phải là sự dấn thân. Tôi nghĩ trước khi nói về người khác, hãy tự hỏi trách nhiệm của mình ở đâu, cần phải làm gì để cạnh tranh hơn, để có thể thành công hơn ngay ở chính nước mình. Sau đó hãy tìm cách để vươn ra biển lớn và cạnh tranh với nước ngoài.

- Là thế hệ doanh nhân F1 của Việt Nam, theo ông, cần làm gì để khơi gợi sự dấn thân, tinh thần đổi mới sáng tạo của lớp doanh nhân trẻ, trong đó không ít là các bạn rất trẻ đang nuôi tinh thần khởi nghiệp?

- Tôi đã từng nói, nếu mỗi người Việt đều có tinh thần doanh nhân, có khát vọng thoát khỏi đói nghèo, thì Việt Nam, chẳng bao lâu nữa sẽ đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới. Tôi tin khát vọng ấy của các bạn trẻ, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, còn hừng hực hơn thời của chúng tôi - những lứa doanh nhân ngày xưa rất nhiều.

Sắp tới, các bạn trẻ của Việt Nam sẽ có cơ hội nói chuyện với Jack Ma - ông chủ Tập đoàn thương mại điện tử số 1 thế giới Alibaba - trong khuôn khổ bên lề sự kiện APEC vào đầu tháng 11. Rồi đầu năm 2018, Bill Ruh - Giám đốc Kỹ thuật số của General Electric (GE), người được ví von như "cha đẻ" của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tới Việt Nam. Tôi nghĩ những cuộc nói chuyện kiểu này có thể là một cách tốt để khơi gợi tinh thần đổi mới sáng tạo - thứ mà theo tôi bắt buộc cần có với một doanh nhân thời đại công nghệ số 4.0.

- Hôm nay là ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có muốn chia sẻ gì tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

- Tiếc là ngày lễ 13/10 năm nay tôi đang đi công tác nước ngoài nhưng thú thật, giờ tôi chỉ muốn được ngồi cùng với các "chiến hữu" ở nhà. Đó chính là những doanh nghiệp trẻ, những người làm phần mềm, những cái tên trong ngành công nghệ. Nhân ngày lễ này, tôi chúc tất cả doanh nhân Việt Nam sức khoẻ, may mắn và sự thành công. Tôi tin tất cả những khó khăn rồi sẽ qua đi, ai đã cố gắng rồi hãy cố gắng hơn nữa, may mắn rồi sẽ tiếp tục may mắn thêm và thành công lại thành công hơn nữa.

Tác giả: Thanh Thanh Lan

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP