Pháp luật

Ông Trịnh Văn Quyết: ‘Từ trong trại giam bị cáo luôn đau đáu việc khắc phục hậu quả’

Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tiếp tục đề nghị được tạo điều kiện cho bán toàn bộ tài sản đang bị phong tỏa, mà theo bị cáo ước tính là gần 5.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết - Ảnh: HIỂU PHONG

Sáng 25-7, phiên tòa xét xử vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết không chuyển sang phần tranh luận như dự kiến, mà quay trở lại phần xét hỏi.

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tiếp tục thẩm vấn ông Trịnh Văn Quyết về phương án khắc phục hậu quả vụ án.

Bán Hãng hàng không Bamboo Airways để lấy tiền khắc phục hậu quả

Trước bục khai báo, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC giãi bày: "Từ trong trại tạm giam, bị cáo luôn nỗ lực, đau đáu về việc khắc phục hậu quả".

Ông Trịnh Văn Quyết khai thêm nhiều lần thông qua luật sư, những người thuộc tập đoàn để nhờ tìm cách khắc phục hậu quả vụ án.

Theo lời khai của ông Quyết tại tòa, đến thời điểm này bị cáo đã nộp 240 tỉ khắc phục hậu quả.

Ông Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: HIỂU PHONG

Ông Trịnh Văn Quyết cho biết từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán, quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã luôn xin được khắc phục số tiền thiệt hại trên 700 tỉ đồng.

Ông Quyết nói đã bán Hãng hàng không Bamboo Airways "mà bị cáo tâm huyết cả đời" để có tiền đền bù và thu được 200 tỉ đồng, nộp về cơ quan điều tra khắc phục.

"Còn lại 500 tỉ đồng, bên mua cam kết sẽ chuyển tiếp để bị cáo nộp về cơ quan điều tra tiếp tục khắc phục hậu quả.

Với số tiền này, bị cáo nghĩ rằng đủ trả hết số tiền bị quy kết cho tội thao túng thị trường chứng khoán", ông Quyết phân trần.

Ông Trịnh Văn Quyết xin dùng tài sản ước tính chục ngàn tỉ để khắc phục

Tiếp tục trình bày, ông Trịnh Văn Quyết cho biết cuối tháng 8-2022, ông bị khởi tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với cáo buộc cùng hai em gái và một số bị cáo nâng khống vốn của Công ty Faros từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng quy kết số tiền ông Quyết phải chịu trách nhiệm trong tội danh này hơn 3.600 tỉ đồng.

"Bị cáo xin dùng toàn bộ tài sản cá nhân gây dựng 20 năm để khắc phục tối đa hậu quả. Bị cáo đã xin bán toàn bộ tài sản tích góp, bao gồm tài sản cá nhân và cổ phần tại FLC", ông Quyết giãi bày.

Ngoài nhiều bất động sản đang bị kê biên, ông Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh mình có 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC, mong muốn được bán để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên đến nay số cổ phần này vẫn "đóng băng", ông Quyết cho biết tại tòa.

"Tài sản của FLC là rất lớn, riêng số phòng khách sạn 5 sao lên tới 5.000 - 6.000 phòng, chưa kể tài sản khác. Giá trị ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng, đó là nói khiêm tốn", ông Trịnh Văn Quyết trình bày.

Sau phần thẩm vấn ông Trịnh Văn Quyết, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố kiến nghị lùi thời gian luận tội sang chiều 26-7 và được hội đồng xét xử đồng ý.

Tác giả: THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP