Lực lượng chức năng có mặt tại nhà ông Phạm Hồng Hà để tiến hành khám xét và bắt giữ |
Mới đây, CQ CSĐT - CA tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà - nguyên Trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long, nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 2, Điều 356 BLHS năm 2015. Ông Hà bị bắt giữ do có sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Cty CP quản lý đường sông số 3 và Ban quản lý Vịnh Hạ Long.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản Nhà nước, vi phạm về quản lý kinh tế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân và nhiều người đã bị khởi tố, điều tra về các tội danh khác nhau.
Trong vụ án trên có đến 6 bị can thuộc Cty CP quản lý đường sông 3 bị điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 174 BLHS với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Với một số bị can bị khởi tố tội “nhận hối lộ” theo quy định tại khoản 2, Điều 354 BLHS năm 2015, thì khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Trong số các bị can, ông Phạm Hồng Hà - nguyên Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long bị khởi tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 2, Điều 356 BLHS năm 2015.
Theo luật sư Thái, CQĐT sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của ông Hà được thực hiện như thế nào, ông Hà có vai trò gì trong vụ án này và hậu quả gây ra những thiệt hại như thế nào đối với xã hội. Với tội danh và khung hình phạt bị truy tố, ông Hà có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất tới 10 năm tù.
Luận bàn về việc CQĐT tra tạm thu giữ 4 xe sang của ông Phạm Hồng Hà, luật sư Thái cho rằng, CQĐT tạm giữ tài sản cũng có thể để đảm bảo thi hành án.
Cụ thể, Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Việc thu thập vật chứng phải đảm bảo được quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự: Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Nếu quá trình điều tra mà có căn cứ xác định tài sản không liên quan đến tội phạm sẽ trả lại cho chủ sở hữu trừ trường hợp tài sản đó là của người phạm tội, cần phải tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, các tội danh về kinh tế và chức vụ còn có hình phạt bổ sung là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Bởi vậy, CQĐT cũng có thể tạm giữ tài sản để áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản khi tòa án giải quyết.
Liên quan vụ án trên, cơ quan An ninh điều tra CA tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam đối với các bị can nguyên là lãnh đạo và nhân viên Ban quản lý Vịnh Hạ Long, gồm: Bùi Sĩ Giáp - nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban quản lý Vịnh Hạ Long; Phạm Thái Dương - Nhân viên Ban quản lý Vịnh Hạ Long, về hành vi “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 2, Điều 354 BLHS năm 2015.
Trước đó, CQĐT đã khởi tố 6 bị can thuộc Cty CP Quản lý đường sông 3 về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015, trong đó bắt giam 3 bị can: Phạm Văn Phả - Chủ tịch HĐQT; Đỗ Công Hào - GĐ; Phạm Văn Chinh - Phó GĐ; áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 bị can, gồm: Nguyễn Hải Anh - nguyên Phó GĐ phụ trách kỹ thuật; Ngô Thị Thu Lư - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch; Lê Kim Hoa - nhân viên Cty.
CA tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo cơ quan An ninh điều tra củng cố tài liệu, chứng cứ, điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tác giả: Thái An
Nguồn tin: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn