Du lịch

Ông Nguyễn Sự lên tiếng vụ “băm nát” rừng dừa Bảy Mẫu

Trước việc người dân và doanh nghiệp phá rừng dừa nước ở Cẩm Thanh, Hội An để xây dựng nhà hàng, khu nghỉ mát phục vụ du khách, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) nhấn mạnh, việc giữ rừng dừa nước phải đặt lên vị trí số 1 trong bảo vệ hệ sinh thái...

Theo ông Sự, rừng dừa nước Bảy Mẫu có tác dụng rất lớn trong việc phát triển du lịch sinh thái, gắn với sông nước; đây còn là một điểm thu hút khách đến với Hội An. “Do đó rừng dừa nước ở Cẩm Thanh phải đặt lên vị trí số 1 trong việc bảo vệ hệ sinh thái”, ông Sự nói.

Biển báo bảo vệ rừng dừa nước tại Cẩm Thanh

Nói đến dừa nước, theo ông Sự, có rất nhiều tác dụng như chắn sóng, gió bão, lá dừa để làm nhà. Đặc biệt, rừng dừa là nơi các loại tôm cá sinh sôi nảy nở…

“Vừa rồi có tình trạng chặt rừng dừa, lấn rừng dừa; việc này (phá rừng dừa nước-PV) xảy ra từ đầu năm 2016 và chính quyền TP Hội An có chỉ đạo và đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp. Đây là những trường hợp xây nhà trái phép, kể cả nhà hàng. Có một số trường hợp đã xử lý, đang xử lý, có trường hợp xử lý chưa đến đầu đến đũa”, ông Sự phát biểu.

Một bên là nhà hàng, một bên là ao nuôi trồng hải sản khiến rừng dừa nước “teo tóp”

Ông Sự khẳng định, việc còn lại bây giờ là tập trung giải quyết và bảo vệ rừng dừa nước, đừng để xảy ra việc phá, lấn sông nữa.

Theo báo cáo của UBND TP Hội An, tháng 2 vừa qua, TP Hội An đã tiến hành họp và xử lý 10 trường hợp lấn chiếm rừng dừa nước để xây dựng nhà cửa, công trình. Trong đó có 8 trường hợp đã ra quyết định xử lý và 2 trường hợp chưa ban hành quyết định xử lý

Trong một diễn biến liên quan, sáng ngày 18/5, UBND TP Hội An đã tổ chức buổi đối thoại “Quan điểm của các bên liên quan hướng tới sự hài hòa giữa bảo tồn – phát triển rừng dừa Cẩm Thanh và vùng cửa sông Thu Bồn”.

Buổi đối thoại nhằm phân tích tổng quan về những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đang diễn ra. Cuộc đối thoại này hướng tới các vấn đề nóng và nổi cộm liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, điều hành của nhà nước, sự đầu tư của doanh nghiệp, tôn chỉ bảo tồn của các nhà khoa học, nhà chuyên môn và sự đáp ứng của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và khai thác rừng dừa nước tại Cẩm Thanh và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác thuộc vùng hạ lưu sông Thu Bồn.

Buổi đối thoại được tổ chức trong không gian mở, thân thiện, các đại biểu đại diện cho 4 bên liên quan ngồi theo nhóm thảo luận dưới sự điều phối chung của Ban thư ký Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Buổi đối thoại của các bên liên quan hướng tới sự hài hòa giữa bảo tồn – phát triển rừng dừa Cẩm Thanh và vùng cửa sông Thu Bồn

Mục đích của buổi đối thoại xoay quanh các nội dung: Đánh giá hiện trạng tài nguyên, phân tích điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức đối với việc phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội khác dựa trên tài nguyên rừng dừa nước và vùng hạ lưu sông Thu Bồn.

Theo tính toán của các nhà khoa học, 1ha rừng ngập mặn có thể làm giảm được 90 tấn khí CO2/năm cho môi trường sống, 1ha đất ngập nước tại các vùng cửa biển, đầm phá, bãi triều có khả năng sinh lợi từ 10-20.000 USD/năm. Đây là những nguồn lợi kinh tế và môi trường khổng lồ đối với người dân ở các địa phương nếu biết bảo vệ và khai thác hợp lý.

Thay mặt nhóm cộng đồng, ông Lê Nhương (người dân xã Cẩm Thanh) thẳng thắn nêu lên thực trạng diện tích rừng dừa Bảy Mẫu thời gian qua đã suy giảm đáng kể. “Chúng tôi thiết nghĩ các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa vấn đề nhân giống dừa nước, từ đó quy hoạch cụ thể vùng sẽ triển khai nhân rộng. Thực tế, bấy lâu nay nguồn cung ứng dừa nước phục vụ mở rộng diện tích chủ yếu nhập từ bên ngoài. Đối với doanh nghiệp, người dân ở đây cần sự sẻ chia lợi ích vì bà con cũng đóng góp công sức trong việc giữ gìn di sản rừng dừa ông cha ngày trước đã gây dựng”, ông Nhương nói.

Kết thúc buổi đối thoại, đại diện các bên đã ký tuyên bố chung 4 bên về bảo tồn và phát triển rừng dừa nước Cẩm Thanh. Các điều khoản được xây dựng trên cơ sở thống nhất của các bên từ buổi đối thoại có liên quan đến công tác bảo tồn và phát triển bền vững rừng dừa nước và vùng cửa sông Thu Bồn.

Tác giả: Công Bính

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP