Chiều 27/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Bộ Nội vụ.
Ông Dũng cho hay, bên cạnh việc biểu dương Bộ Nội vụ về những kết quả đã đạt được, Thủ tướng gợi ý 5 vấn đề Bộ cần làm tốt hơn trong thời gian tới. Đầu tiên là biên chế và tiền lương. Đây là nội dung rất quan trọng khi Nghị quyết Trung ương đã yêu cầu trong giai đoạn 2015-2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách.
Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh không chấp nhận tăng biên chế, phình bộ máy. Ảnh: Viết Tuân. |
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo về quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương, với nhiều vấn đề trong giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, đặc biệt có 34 địa phương, bộ ngành sử dụng lao động vượt quy định tới 63.279 người…
“Nhiều bộ ngành, địa phương tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế công chức, nhưng dứt khoát không thể thực hiện sai kết luận của Bộ Chính trị, không thể chấp nhận tăng biên chế công chức, phình bộ máy. Đề nghị Bộ Nội vụ hết sức quan tâm vấn đề này”, ông Dũng nêu rõ.
Về bộ máy tổ chức, nếu có quy định không phù hợp hoặc không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ông Dũng nói Bộ Nội vụ cần mạnh dạn áp dụng thí điểm. Trong thời gian vừa qua, Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ trong công tác này và đã đồng thuận trình Chính phủ thí điểm tổ chức Ban An toàn thực phẩm (tập trung đầu mối quản lý an toàn thực phẩm thay vì 3 Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Y tế cùng quản lý như trước đây); thí điểm Trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh (hiệu quả hơn so với mô hình Trung tâm hành chính công trực thuộc Văn phòng Ủy ban chỉ là đầu mối nhận và trả kết quả).
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cần phối hợp với các tổ chức liên quan chuyển đổi mạnh mẽ các đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu viên chức; đây là nhiệm vụ quan trọng và khó, cần tiếp tục sâu sát, đốc thúc triển khai cơ chế tự chủ với các đơn vị này.
Đề cập đến công tác quản lý hội và quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ông Dũng nói vừa qua, việc triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần phải lên tiếng kịp thời khi các tổ chức tự xưng có những hành vi vi phạm pháp luật, trái luân thường đạo lý…
Tại buổi kiểm tra, các đơn vị của Bộ Nội vụ đã giải trình, làm rõ về các nhiệm vụ quá hạn và các nội dung được Thủ tướng gợi ý. Nhiều khó khăn, vướng mắc cũng được nêu ra với đoàn công tác.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, các cơ quan quản lý cần tập trung vào 3 nhiệm vụ: Xây dựng chiến lược phát triển ngành, hoàn thiện thể chế và thanh tra, kiểm tra, muốn vậy phải đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Vừa qua, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh xây dựng bộ máy tinh gọn, không còn phòng trong các vụ, giảm từ 6 đơn vị đào tạo xuống còn 2 đơn vị và Bộ cũng cam kết sẽ giảm 15% biên chế tới năm 2021.
Tại cuộc làm việc, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban tôn giáo Chính phủ cho biết, cả nước có 41 tổ chức với 15 tôn giáo, cơ bản hoạt động đúng pháp luật, sống tốt đời, đẹp đạo. Tuy nhiên có một số tổ chức tôn giáo, giáo sĩ cực đoan bị kích động bởi các thế lực thù địch, móc nối liên kết với các tổ chức phản động trong và ngoài nước... Ngoài ra, hoạt động của các hội nhóm tà đạo đang rất phức tạp. Những tổ chức này có biểu hiện quyên góp tiền, thu lợi bất chính và đi ngược lại phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Thậm chí một số hoạt động của các nhóm tôn giáo này như lên đồng, bán thuốc… còn ảnh hưởng sức khỏe tín đồ. |
Tác giả: Viết Tuân
Nguồn tin: Báo VnExpress