|
Trả lại thời gian cho học trò mới khó
Lớp học của ông giáo Phạm Khánh Hoàng (81 tuổi), phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa chỉ đơn sơ với phấn, bảng và dãy bàn ghế cũ được đóng lại chắc chắn cho học sinh ngồi. Dù vậy, điều kỳ lạ là suốt 30 năm qua, chưa bao giờ vắng bóng học sinh. Và trên bục giảng, là thầy giáo già, “đem những gì mình biết, để nói cho các cháu chưa biết về môn Toán”.
Khi chúng tôi tìm đường vào lớp học, nằm ở bên cạnh hồ Bàu Sen, nhiều người nhiệt tình dẫn đến tận nơi. Bởi từ đầu những năm 80 của thập kỷ trước và nhiều gia đình, đời bố, đời con đã học thầy. Đặc biệt hơn, ông giáo còn dám tự tin nhận những học trò “mũi tù”.
Đó là những em bị hổng kiến thức, hoặc ngỗ nghịch không thấy hứng thú trong học tập được bố mẹ đem đến nhờ thầy kèm cặp, phụ đạo. “Về bản chất các em không phải kém thông minh mà bởi chưa biết cách học, cách tiếp thu kiến thức nên không hiểu bài. Ở trên lớp, học sang bài mới, mà các em chưa hiểu hết bài cũ, thế là hổng, đuối, càng về sau lỗ hổng càng lớn”, thầy Phạm Khánh Hoàng chia sẻ.
Khi đã nhận các cháu vào học, thầy Hoàng cũng hứa đảm bảo với gia đình dù các cháu không biết gì nhưng sẽ trả lại kiến thức trong vòng chỉ 1,5 tháng. Ông giáo quan niệm: Dạy học cho các cháu, nếu không hiệu quả, tiền học phí có thể dễ dàng trả lại.
Nhưng thời gian mà các em bỏ ra, cơ hội của các em tại các cuộc thi… ai sẽ trả lại được. Bởi thế, nên thầy đã cố gắng dạy cho các em cách thức, phương thức làm bài. Những kiến thức được cô đọng lại, gói gọn lại như “nấu cao”, để các em học nhanh hơn. “Tôi cũng phải đọc sách giáo khoa mới, những thay đổi trong phân phối chương trình học từ trước tới nay, bởi thời của tôi đã xa lắm rồi. Nhưng kiến thức, những tiên đề, định lý, định luật, quy tắc trong toán học thì từ xưa đến nay vẫn thế và đúng như thế. Nên tôi lấy kinh nghiệm của mình trong bao nhiêu năm học và dạy Toán, Lý, Hóa… để giúp các em lĩnh hội kiến thức nhanh nhất” - ông giáo chia sẻ.
Từ lớp học của ông giáo già, rất nhiều học sinh bắt đầu lại bằng con số 0; từng bước tự tin hơn để đuổi kịp các bạn cùng lứa, thi đậu vào THPT và trở thành sinh viên của nhiều trường đại học.
Dạy học để giúp các em tự tin hơn
Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Phạm Khánh Hoàng tự nhận mình là một người thầy giáo đặc biệt. Bởi lẽ, làm thầy nhưng ông chưa qua một lớp đào tạo nghề giáo nào. Quả vậy, ông giáo Phạm Khánh Hoàng chưa khi nào từng học một cách bài bản về nghiệp vụ dạy học, một trường sư phạm nào đó, mà học đến cấp 3 thì dừng lại.
Những năm 50 của thế kỷ trước, Phạm Khánh Hoàng đã từng là cậu học trò nổi bật nhất ở Trường Quốc học Vinh khóa 1955 - 1958 (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng bây giờ) như một tài năng đặc biệt. Từng được GS Ninh Viết Giao - người thầy nổi danh tại đất Nghệ - để lưu bút trong cuốn Hồi ký Trường Huỳnh Thúc Kháng: “Nhiều giáo viên nhớ nhất là Phạm Khánh Hoàng. Người nhỏ nhắn, trong trẻo, hiền lành, nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Hoàn cảnh gia đình éo le, vừa đi học, vừa đi cộng sổ cho các nhà doanh nghiệp ở Vinh lúc bấy giờ để nuôi thân, thế mà Hoàng học giỏi vô cùng, học giỏi đều tất cả các môn. Riêng môn Văn, đọc xong bài tập làm văn của Hoàng khi chấm bài cứ sáng trưng lên, ý tứ mạch lạc, diễn đạt rõ ràng, bố cục cân đối, không phải gạch một chữ nào. Tiếc rằng thang điểm không cao hơn, thầy cho con 5 là chắc chắn. Vậy nhưng, con 5 của Hoàng cách con 5 hay con 4 của các bạn khác cùng lớp một quãng khá xa”.
Năm lớp 10, vì hoàn cảnh gia đình, cậu học trò đành phải bỏ dở việc học. Ngày ấy, lớp 10 tương đương với học xong cấp 3. Chàng thanh niên trẻ ngược lên huyện Nghĩa Đàn, miền Tây Bắc xứ Nghệ, tham gia dạy Bình dân học vụ. Năm 1978, khi Nghĩa Đàn có chủ trương mở Trường Năng khiếu Nghĩa Đàn, ông được chính quyền địa phương tin tưởng giao trọng trách là hiệu trưởng. 5 năm sau, trường giải thể, ông trở về dạy ở Trường THCS Thái Hòa (thị xã Thái Hòa ngày nay) cho đến khi về hưu.
Về hưu nhưng không có nghĩa là ông nghỉ làm việc. Cái duyên với nghề giáo, muốn làm điều gì đó cho các cháu nhỏ, khiến thầy Phạm Khánh Hoàng tiếp tục công việc phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức tại nhà. “Nhìn thấy học trò học yếu, là tôi giận lắm. Trong lòng tôi bừng bừng một sự phẫn nộ, với chính mình. Tôi không may mắn được đi học đầy đủ, thì phải giúp đỡ, dạy học, phải hướng dẫn để các cháu học tốt hơn, tự tin hơn khi ra ngoài xã hội. Có đi dạy, đứng lớp, làm được điều gì đó có ích, thì tôi mới thấy mình sống ý nghĩa”, giọng ông giáo chắc nịch.
Ông không chỉ giúp rèn luyện, nâng cao kiến thức và truyền lại cho các em cả tình yêu đối với môn Toán vốn luôn đầy ắp trong mình. Học ông, những đứa trẻ còn học được một nhân cách sống, một tình người đẹp đẽ.
Lớp học của thầy Hoàng chủ yếu là gia đình khó khăn, thầy thường xuyên dạy miễn phí cho học sinh nghèo, dù hoàn cảnh gia đình của ông, cũng chẳng khấm khá gì. Nhiều phụ huynh ái ngại, muốn gửi thầy tiền dạy phụ đạo, năn nỉ quá thầy mới lấy mức phí gọi là đủ tiền mua phấn, mua sách bút.
“Các cháu cũng tự trọng lắm, không phải mình dạy miễn phí là các cháu sẽ học đâu, nhiều cháu ngại, tự ti với bạn bè. Tôi phải nói, “thầy có thu tiền, nhưng giờ gia đình em chưa có tiền, thì thầy cho vay”. Nghe thế, cháu mới dám đi học tiếp”.
Có lẽ, bởi cái tấm lòng đó, mà mỗi lứa học trò từ đây ra đi đều hướng về thầy như một người cha, người ông đáng kính với tất cả tấm lòng biết ơn, trân trọng. Để sống sao cho tốt đẹp xứng đáng với thầy!
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại