Kinh tế

Ông Đậu Anh Tuấn: 'Kinh tế Việt Nam có 4 động cơ, chỉ mình FDI là khỏe'

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, 3 động cơ còn lại bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân và khu vực nông nghiệp đều đang trục trặc.

Quan điểm nêu trên được đại diện Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế 2017 tổ chức ngày 1/12. Dẫn ra báo cáo trước đó của đại học Fulbright (nêu ra 4 động lực tăng trưởng của Việt Nam), ông Đậu Anh Tuấn cho rằng hiện chỉ duy nhất khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là mạnh. Các thành tố còn lại là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và khu vực nông nghiệp đều gặp vấn đề về hiệu quả, khả năng đóng góp hoặc bị hạn chế khách quan trong những năm gần đây.

Dẫu vậy, các đơn vị FDI có thực sự hoạt động hiệu quả hay không là rất khó đoán, khi vốn ngoại đổ vào Việt Nam, theo nhiều nghiên cứu, chỉ chủ yếu là vào các lĩnh vực có chi phí rẻ. “Trong tương lai, những điều này sẽ không còn nữa. Đất đai hết rồi, nhân công cũng không còn rẻ nữa, lại thêm câu chuyện TPP, liệu nguồn vốn FDI có còn đổ nhiều vào Việt Nam, trở thành một trong những động lực của Việt Nam nữa hay không”, ông Tuấn quan ngại.

Cũng theo Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI), bức tranh kinh tế doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn đáng ngại, bởi quy mô của doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng nhỏ đi, hoạt động không hiệu quả.


Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng ngay cả khối FDI đang được coi là mạnh cũng có những lo ngại trong tương lai.


Điều đáng ngại nữa được ông Tuấn chỉ ra theo kết quả điều tra của VCCI là 58% doanh nghiệp tư nhân không có thu nhập để nộp thuế; tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi và nộp thuế là 42%. Và dù xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh những năm qua, song xuất đi được 10 đồng thì 8 đồng thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ có 2 đồng là của doanh nghiệp nội, trong khi tỷ lệ này trước đây là 50/50.

“Nếu duy trì như này thì rất đáng ngại”, vị này lo lắng. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong nguồn lực, nhất là trong lĩnh vực đất đai thì gần như là bất lợi vì không có vốn nên khó tiếp cận.

"Điều tra của chúng tôi còn chỉ rõ, tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 30-40%. Nhà nước đang dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn. Cần tháo gỡ các cản trở cho các doanh nghiệp nhỏ để họ có cơ hội kinh doanh và có lãi”, ông Tuấn nói thêm.

Cho rằng muốn phát triển thì doanh nghiệp cần vốn, song Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT BIDV thừa nhận, tiếp cận vốn đang là vấn đề rất bức xúc của nhiều doanh nghiệp. "Điều doanh nghiệp quan ngại bây giờ không phải là lãi suất, mà là các khoản không chính thức đâu đó chiếm tới 12% chi phí doanh nghiệp, nằm ở khâu giao dịch ngân hàng, đất đai…”, ông Lực nói.

Một cản trở nữa, theo ông Lực là thủ tục thế chấp, tiếp cận cho vay dù có cải tiến nhưng còn nhiều phức tạp và tính chưa minh bạch ở nhiều doanh nghiệp. “Xét đến cùng thì thị trường tài chính của chúng ta còn chưa phát triển nên còn loay hoay từ nguồn vốn ngân hàng. Hiện tại đa phần là từ nguồn vốn ngân hàng, 14% cổ phiếu, 9% là trái phiếu và bảo hiểm còn hạn chế rất nhiều. Và đây là điều mà chúng ta cần phải cân bằng hơn trong thời gian sắp tới”, ông Lực nhận định.

"Nhiều người hỏi tôi vì sao lãi suất Việt Nam cao hơn so với trong khu vực? Đó là do lạm phát chúng ta rất cao, rủi ro của Việt Nam rất cao thì chi phí lãi suất cũng phải cao. Bên cạnh đó, thị trường chưa phát triển nên chi phí giao dịch cao hơn. Ngoài ra, những thủ tục rườm ra cũng đẩy chi phí cao hơn”.

Đồng tình doanh nghiệp phải đổi mới, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra điểm mới trong đề án cơ cấu lại nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang có xu hướng “co lại”.

Ông Kiên cho rằng, thách thức lớn nhất trong 5 năm còn lại, phải xét đến bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều điều chưa lường được. Qua năm 2016 với nhiều diễn biến đã buộc những người làm hoạch định kinh tế vĩ mô phải xem xét lại qua hiện tượng Brexit.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh thách thức lớn nhất đối với việc thực thi là làm thực chất. “Vốn và mô hình không đạt được thì lợi nhuận sẽ không đạt được. Do đó, thách thức lớn nhất là trong bản thân chúng ta, chứ không phải vấn đề cơ chế, vì cơ chế luôn đi sau thực tế, luật không thể vừa làm ra đã phù hợp ngay”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá.

Tác giả bài viết: Anh Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP