Kinh tế

Ông chủ Hòa Phát: Là đại gia hay không, tôi vẫn phải sống với cái danh ấy

“Rất nhiều người dị ứng bị gọi là đại gia còn quan điểm của tôi là nếu được coi là đại gia, dù thích hay không mình vẫn phải sống chung với cái danh ấy”, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long nói.

Như thông tin đã đưa, chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long vừa gia nhập danh sách các tỷ phú thế giới năm 2018 được Forbes công bố hôm qua (6/3) với khối tài sản 1,3 tỷ USD.

Dân trí trích đăng buổi trao đổi của ông Trần Đình Long về ngành thép Việt Nam và tâm sự của ông về cái danh “đại gia”.

Ông Trần Đình Long vừa gia nhập danh sách tỷ phú thế giới năm 2018 của Forbes với khối tài sản 1,3 tỷ USD. (Ảnh: Mạnh Quân)

Vừa lọt vào danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới, ở khía cạnh cá nhân thì khi doanh nghiệp (DN) giàu và cá nhân giàu sẽ làm từ thiện, ông thấy thế nào?

Ông Trần Đình Long: Doanh nhân giàu có ở Việt Nam đi làm từ thiện nhiều và thường xuyên thì còn mới nhưng theo tôi, mọi người cũng theo xu hướng này thôi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng xu hướng này bây giờ mới chỉ manh mún nhưng sớm muộn cũng sẽ như thế giới.

Rất nhiều người dị ứng bị gọi là đại gia còn quan điểm của tôi là nếu được coi là đại gia, dù thích hay không mình vẫn phải sống chung với cái danh ấy.

Hòa Phát hiện là một trong những DN thép lớn nhất Việt Nam, ông có tham vọng gì hơn để trở thành “ông vua thép”?

-Hòa Phát trên đường trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam nhưng thực ra đang mong muốn lớn nhất là sản xuất được sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế, thay thế được hàng nhập khẩu và tiến tới vươn ra xuất khẩu ra nước ngoài.

Những bước đi đó của Hòa Phát cũng như của những tập đoàn lớn trên thế giới trước đây, không có gì quá đặc biệt cả.

Đôi khi có áp lực với cổ đông, việc đạt chỉ tiêu, doanh thu, lợi nhuận,... sẽ mâu thuẫn với những chiến lược dài hơi, ông cảm thấy sao?

-Mâu thuẫn là động lực của phát triển còn áp lực thì lúc nào cũng có rồi. Tóm lại, cổ đông lúc nào cũng muốn chia nhiều tiền, còn những người "cầm cân nảy mực" thì muốn giữ tiền lại để tái đầu tư, hai điều này phải cân đối hài hòa thôi. Nhưng rõ ràng là chiến lược của công ty là như vậy, ai không chấp nhận được thì bán cổ phần đi thôi.

Tuy nhiên, nếu bán thì đời con tôi có bán hay không chứ tôi thì tôi không bán cổ phần của Hòa Phát.

Hòa Phát có tham vọng gì về việc mua bán,, sáp nhập trong ngành thép không?

-Hòa Phát trong quá khứ chưa làm việc đó bao giờ và tương lai cũng thế vì ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành thép Việt Nam nói riêng như tờ giấy trắng, đã có gì đâu mà mua lại. Nó không như ngành bia có lịch sử 50-70 năm. Nói ra thì hơi quá nhưng ngành thép cho cũng chả ai lấy.

25 năm nay Hòa Phát cũng tự làm hết, còn ra nước ngoài mua lại các DN thép của họ thì thời điểm này chúng tôi cũng chưa nghĩ đến nhưng nếu có mua thì cũng là vấn đề, vì không chỉ tại Việt Nam mà ngành thép thế giới cũng siết rất chặt vấn đề môi trường.

Tuy nhiên, nếu muốn phát triển mạnh và xa hơn nữa thì phải nghĩ đến việc đầu tư ra nước ngoài.

Vậy theo ông, triển vọng ngành thép Việt Nam trong 10-15 năm tới?

-Theo tôi, ở Việt Nam, Hòa Phát là DN tiên phong đi đầu trong ngành thép. Sau đổi mới thì như tờ giấy trắng, chưa có nền công nghiệp thép và quy mô vẫn còn nhỏ, manh mún lắm nhưng sau một chặng đường dài thì bắt đầu xuất hiện ngành công nghiệp thép ở Việt Nam.

Tuy nhiên, khoảng 5-10 năm nay, mọi người có cái nhìn rất xấu về ngành thép thế giới nói chung và thép Việt Nam nói riêng.

Tính đến nay, nhu cầu về thép của Việt Nam là số một Đông Nam Á, thậm chí còn lớn hơn Indonesia. Cho nên nguồn cung phải tăng và đáp ứng nhu cầu của ngành thép.

Bên cạnh đó, theo tôi dự đoán, ngành thép Việt Nam từ nay trở đi đến ít nhất năm 2025-2030 có triển vọng tốt, tất nhiên thách thức cũng nhiều.

Một trong những cơ sở cho điều đó là nhu cầu về thép của Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Tỷ lệ tăng trưởng còn nhanh hơn nhiều tốc độ phát triển kinh tế cả năm. Trong đó, thép xây dựng, thép ống, tôn mạ màu,... đạt tốc độ tăng trưởng đều cao, chắc chắn hơn 10%.

Như vậy, triển vọng ngành thép Việt trong 10-15 năm tới là còn rất tốt. Nhưng có một xu hướng là nước nào cũng phải bảo vệ ngành công nghiệp, ngành thép của nước mình.

Mà xu hướng này rất rõ, không chỉ riêng Mỹ mà tất cả các nước trên thế giới đều đang áp dụng xu hướng bảo hộ tích cực, không phải chống lại toàn cầu hóa.

Đánh giá của ông về việc Việt Nam bảo hộ ngành thép so với những ngành công nghiệp khác?

-Cá nhân tôi thấy nền kinh tế của nước mình rất mở, sự bảo hộ của Việt Nam không hề mạnh nữa, chỉ ở mức vừa phải, suy cho cùng cũng để hướng đến chiến lược xuất khẩu nhiều.

Tuy nhiên, làm gì thì làm vẫn phải bảo vệ quyền lợi cho DN và người lao động nhưng phải hài hòa với chiến lược nền kinh tế mở. Cái đó còn do nước mình thỏa thuận với các nước khác.

Nếu đánh giá mức độ bảo hộ thép so với các ngành công nghiệp còn lại của Việt Nam thì bản thân tôi đánh giá ở mức độ vừa phải.

Tác giả: Mạnh Quân – Hồng Vân

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP