Kinh tế

Ôm tiền đợi ô tô rẻ đến bao giờ?

Doanh nghiệp dự báo giá xe hơi giảm đáng kể nhưng thực tế có giảm trong tương lai?

Các doanh nghiệp ô tô đang bày tỏ lạc quan về thị trường ô tô vào giữa năm 2018 sau khi loạt xe từ các nước trong khối ASEAN được miễn thuế nhập khẩu về Việt Nam.

Theo dự báo của các DN, vào giữa năm 2018, xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN với thuế suất 0% sẽ được nhập về Việt Nam. Mặc dù phải tốn thời gian lo giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, nhưng khi đã lo xong thì việc nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ trôi chảy. Thị trường ô tô sẽ sôi động hơn hẳn khi có sự xuất hiện trở lại của nhiều mẫu xe nhập khẩu với thuế 0%.

Doanh nghiệp lạc quan giá xe rẻ vào giữa năm 2018.

Cho dù phải kiểm định theo lô, khá tốn thời gian và chi phí, nhưng giá nhiều mẫu xe nhập sẽ rẻ hơn so với hiện nay.

Chẳng hạn như mẫu Honda CR-V nhập khẩu sẽ có giá dưới 1,1 tỷ đồng như dự kiến ban đầu.

Trong phân khúc xe cá nhân, xe nhập khẩu chiếm khoảng 30%. Xe nhập hiện chưa về khiến nguồn cung khan hiếm, một số mẫu xe ăn khách thiếu hàng, giá tăng mạnh. Một số mẫu không có để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, đó chỉ là tạm thời.

Tính toán của các DN cho thấy, giá xe nhập được hưởng thuế suất 0% sẽ giảm từ 20-25%, cạnh tranh khiến xe sản xuất lắp ráp trong nước phải hạ giá.

Để xe sản xuất lắp ráp trong nước tồn tại, các cơ quan chức năng đang tính tới những giải pháp hỗ trợ. Cụ thể là điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng, trên nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm. Hiện tại giá bán lẻ sản phẩm sản xuất lắp ráp đã giảm từ 12-15%.

Nếu các DN sản xuất lắp ráp ô tô được hưởng thêm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt mức 0% với phần linh kiện mua trong nước; các DN sản xuất linh kiện được giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào xuống mức 0% thì giá thành xe sản xuất sẽ thấp.

Tuy nhiên, bên cạnh sự lạc quan của nhiều doanh nghiệp, khả năng nguồn cung xe nhập khẩu vào thị trường Việt được miễn thuế là không nhiều tới mức có thể tác động đến giá thành sản phẩm cũng như đẩy giá xe chung trên thị trường giảm xuống.

Như đã từng chia sẻ với truyền thông, ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Audi Việt Nam từng phân tích, thực tế chỉ có khoảng 20 chủng loại xe được sản xuất, lắp ráp trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối (40%) và có đủ sản lượng để được hưởng thuế suất ưu đãi theo những điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô của Việt Nam không nhiều.

Hơn nữa, các mẫu xe cao cấp được sản xuất, lắp ráp trong khu vực không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ châu Âu.

Được giảm thuế suất thuế nhập khẩu 0% vào năm 2018, song ô tô nguyên chiếc chở người nhập khẩu từ ASEAN phải có hàm lượng sản xuất trong khu vực là 40%.

Cùng với đó, Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) thắt chặt các quy định về điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 17/10/2017 sẽ khiến giá xe khó lòng giảm tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, Nghị định 116 quy định các hãng xe nhập khẩu phải cung cấp cho các cơ quan quản lý chất lượng các loại giấy tờ như: bản sao giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe ôtô nhập khẩu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở nước ngoài; tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô đó…

Đặc biệt là việc kiểm tra theo quy định với từng lô xe về cảng (kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật)…

Điều này khiến các hãng xe hơi không có đủ "mặn mà" để đầu tư vào thủ tục để nhập về số lượng hàng miễn thuế vốn đã rất khó kiếm này.

Tác giả: Cúc Phương

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP