Olympic Rio 2016 chính thức khởi tranh từ 5/8 tại Rio de Janeiro nhưng trước đó sự kiện này đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi gặp rắc rối lớn với muỗi Zika và sự phản đối của người dân Brazil.
Vì nhiều lý do, người dân xứ sở samba không chào đón Olympic Rio 2016. Một trong các lý do chính là Olympic Rio 2016 ngốn quá nhiều tiền trong khi đất nước này có nhiều việc cần chi tiêu.
Top 10 chi phí lớn
Nhưng bất chấp tất cả, Olympic Rio 2016 đã sẵn sàng khởi tranh. Thậm chí, sự kiện này đứa hứa hẹn sẽ rất nóng. Theo báo cáo phát sóng Olympic toàn cầu London 2012, lượng khán giả theo dõi thế vận hội Rio 2016 từ ngôi nhà của họ sẽ tăng mạnh, vượt qua Olympic London 2012 và đạt 4,8 tỷ lượt.
Olympic Rio 2016 hứa hẹn sẽ có nhiều hấp dẫn vì đây là kỳ thế vận hội được đầu tư rất lớn. Tổng chi phí mà các bên liên quan rót cho đại hội thể thao này lên tới 4,6 tỷ USD. Theo dữ liệu từ Oxford University Saïd Business School, chi phí dành cho Olympic Rio 2016 nằm trong Top 10 thế vận hội ngốn nhiều chi phí nhất.
Trong suốt lịch sử Olympic tới nay, Olympic Sochi tại Nga đang dẫn đầu về mức độ tiêu tiền với chi phí lên đến 22 tỷ USD. Đứng sau là London 2012 (14,8 tỷ USD), Barcelona 1992 (11,2 tỷ USD), Moscow 1980 (6,3 tỷ USD), Montreal 1976 (6 tỷ USD), Bắc Kinh 2008 (5,5 tỷ USD). Olympic Rio 2016 đứng thứ sáu với 4,6 tỷ USD.
Nếu xét về đầu tư cơ sở hạ tầng và chi phí hoạt động cho thế vận hội mùa hè, chi phí dành cho Olympic Rio 2016 cao nhất kể từ Athens 2004. Còn tính trong toàn bộ lịch sử Thế vận hội mùa hè, ngân sách dành cho cho Olympic Rio 2016 cao thứ 5.
Có thể thấy, chi phí dành cho Thế vận hội mùa hè cao hơn chi phí dành cho Thế vận hội mùa đông. Bình quân, thế giới đã dành 5,13 tỷ USD cho Thế vận hội mùa hè và chỉ 2,82 tỷ USD cho Thế vận hội mùa đông.
Olympic Rio 2016 có thể kiếm bộn
Có thể thấy, hàng tỷ USD được rót vào Olympic chủ yếu cho cơ sở hạ tầng và chi phí hoạt động. Trong khi đó, doanh thu của Olympic cũng không đa dạng. Theo dữ liệu từ Ủy ban Olympic quốc tế, hầu hết doanh thu Olympic đều đến từ bản quyền phát sóng và tài trợ (bao gồm tiền quảng cáo, hỗ trợ vận động viên,...).
Tiền bản quyền phát sóng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng doanh thu Olympic. Đi sâu vào nguồn thu này, có thể thấy, cũng giống như chi phí, tổng doanh thu và tiền bản quyền phát sóng của Thế vận hội mùa hè áp đảo doanh thu của Thế vận hội mùa đông.
Olympic London 2012 là thế vận hội kiếm được tiền bản quyền cao vượt trội. Nguồn thu này là hơn 2,5 tỷ USD. Đứng sau là Athens 2004 (gần 1,5 tỷ USD), Bắc Kinh 2008 (1,39 tỷ USD), Sydney 2000 (1Sydney 2000 (1,31 tỷ USD). Tiền bản quyền của các kỳ Thế vận hội mùa hè khác đều dưới 1 tỷ USD.
Nhìn lại quá khứ kể từ năm 2000 đến nay, đã có 220 quốc gia và vùng lãnh thổ phát sóng Olympic. Tới năm 2010, Thế vận hội mùa đông đã theo kịp Thế vận hội mùa hè về số quốc gia sẵn sàng trả bản quyền phát sóng. Nhờ vậy, doanh thu Olympic hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng cao.
Số tiền mà Olympic thu được còn phụ thuộc vào thời gian khán giả sẵn sàng ngồi trước màn hình. Olympic Rio 2016 được kỳ vọng sẽ khiến khán giả dành nhiều thời gian mở ti vi xem thể thao hơn. Olympic Rio 2016 có thể “thu hoạch” được bình quân 6.775 giờ. Con số này tại Athens 2004 chỉ là 1.210 giờ, tại Atlanta 1996 chỉ là 171 giờ.
Dự báo về tiền bản quyền phát sóng tại Olympic Rio 2016 không được đưa ra nhưng dựa vào các yếu tố cấu thành doanh thu này có thể thấy đây sẽ là con số có nhiều đột phá.
Tiền bán vé cũng là một trong những yếu tố cấu thành nên doanh thu Olympic Rio 2016. Chỉ xét riêng ở Thế vận hội mùa hè, kể từ Athens 2004, tiền bán vé đang có xu hướng tăng lên rõ rệt. Số tiền kiếm được từ bán vé tại Athens chỉ là 3,8 triệu USD nhưng tăng lên 6,5 triệu USD trong Bắc Kinh 2008 và 8,2 triệu USD tại London 2012.
Olympic Rio 2016 khởi đầu với nhiều rắc rối nhưng Thế vận hội mùa hè này vẫn hút được khá lớn khán giả. Vì vậy, doanh thu từ bán vé có thể vượt qua con số 8,2 triệu USD của Olympic London.
Tác giả bài viết: Bảo Linh