Giáo dục

Oằn lưng gánh bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giáo viên

Hãy để việc bồi dưỡng phát triển và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trở thành nhu cầu học tập thường xuyên một cách tự nguyện.

LTS: Trao đổi về vấn đề bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng việc này đang phần nhiều mang tính hình thức ở một số địa phương, khiến giáo viên cảm thấy mệt mỏi và áp lực.

Qua đó, cô Đỗ Quyên cho rằng hãy để việc tự bồi dưỡng năng lực là nhu cầu tự nguyện của mỗi giáo viên. Nếu bị ép buộc, giáo viên sẽ chỉ làm theo kiểu đối phó mà thôi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Việc bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho giáo viên ở các cấp học hàng năm là rất cần thiết.

Nhưng với cách làm của một số trường học ở các địa phương hiện nay, đang trở nên hình thức và cứng nhắc gây nên cảm giác mệt mỏi và đầy áp lực cho phần lớn giáo viên vốn đã quá tải với công việc sổ sách hàng ngày.

Theo quy định, giáo viên trung học cơ sở có tất cả 44 mô đun, giáo viên tiểu học có 45 mô đun.

Mỗi giáo viên phải bồi dưỡng 120 tiết/ năm học, với 3 khối kiến thức chính tập trung vào phát triển năng lực chuyên môn theo yêu cầu chỉ đạo chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ năm học theo cấp học với dung lượng chiếm khoảng 25% chương trình (khoảng 30 tiết/ năm học).

Tăng cường năng lực cho giáo viên trong việc hiện các nhiệm vụ giáo dục theo cấp học ở từng địa phương với dung lượng khoảng 25% chương trình (khoảng 30 tiết/năm học) và phát triển các năng lực lao động nghề nghiệp cho giáo viên để đáp ứng Chuẩn nghề nghiệp với dung lượng khoảng 50% (khoảng 60 tiết/năm học).

giao vien
Việc bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giáo viên vẫn còn mang tính hình thức. (Ảnh minh họa trên vtv.vn)

Các trường học chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo các hình thức: bồi dưỡng thường xuyên bằng tự học của giáo viên kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ bộ môn của nhà trường.

Giáo viên tự lên kế hoạch học tập, lựa chọn 4 mô đun/ năm trong tổng số các mô đun phải học.

Nội dung học của các mô-đun

Có thể nói nội dung học của các mô đun vô cùng phong phú từ cách tổ chức một lớp học hiệu quả, một số phương pháp hình thức dạy học tích cực, vai trò nhiệm vụ của giáo viên, học sinh… đến tâm lý lứa tuổi, học sinh cá biệt, khuyết tật, cách tổ chức dạy hòa nhập cho trẻ, làm tốt công tác chủ nhiệm, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh thông qua các môn học, trong hoạt động ngoại khóa…

Có thể nói tất thảy đều phù hợp với việc dạy học của giáo viên, những điều thầy cô đang phải vận dụng hàng ngày trên lớp.

Tuy nhiên đọc để hiểu, để vận dụng vào giảng dạy trong thực tế nó lại khác xa với việc học để kiểm tra, để viết theo kiểu học sinh soạn bài ở nhà. Thế mới sinh ra nhiều chuyện xung quanh việc học bồi dưỡng này.

Học đối phó

Việc đăng ký kế hoạch học tập giống nhau nhưng mỗi trường lại có quy định kiểm tra việc học và đánh giá kết quả học tập của giáo viên khác nhau.

Tất cả phụ thuộc vào Hiệu trưởng của trường dễ hay khó để có quy định “dễ thở” hay không (theo cách nói của nhiều giáo viên).

Ngoài việc viết một bài thu hoạch chung theo đề ra của phòng giáo dục, giáo viên phải có vở tự học ghi chép giống như học sinh soạn bài cũ ở nhà.

Nếu bạn hỏi bất kì một giáo viên nào về biện pháp giúp đỡ một học sinh yếu hay bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc nên một vài phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả thường được vận dụng trên lớp… chẳng cần suy nghĩ, thầy cô giáo ấy cũng có thể nói vanh vách.

Nhưng bạn nói làm một bài thi lại chẳng đơn giản chút nào, đôi khi giữa lý thuyết và thực hành nó có một khoảng cách khá xa là thế.

Ban Giám hiệu thường sợ giáo viên không tự bồi dưỡng nên luôn cần họ chứng minh bằng cách phải thể hiện “bằng chứng” mình đã tự học như thế nào.

Có trường Ban Giám hiệu bắt giáo viên đăng ký 4 mô đun nào sẽ phải viết tay vào vở tự học những nội dung mình học tập được để họ kiểm tra.

Hình thức này có ưu điểm giáo viên khó copy, mà có mượn vở nhau để chép cũng có ít nhiều tác dụng (theo cách lý giải của một số người).

Vì phải chép tay, giáo viên phải tranh thủ từng giờ, từng phút để chép ra vở. Có người lén chép ngay trong những giờ lên lớp, giờ hội họp thậm chí tranh thủ cả giờ ra chơi mới kịp.

Có trường Giám hiệu “dễ thở” hơn cho thầy cô làm trên máy vi tính. Giáo viên có cơ hội trao đổi, copy bài của nhau trong trường hoặc liên trường.

Lại có trường Ban Giám hiệu chỉ thực hiện một bài kiểm tra duy nhất vào cuối năm khoảng 2 câu hỏi cùng một bài kiểm tra chung là đã hoàn thành việc học mô đun ấy…

Giáo viên được đánh giá, được cấp giấy chứng nhận công nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên mỗi năm học.

Kết quả đánh giá bồi dưỡng thường xuyên giáo viên được lưu vào hồ sơ của giáo viên, là căn cứ để đánh giá, xếp loại giáo viên, xét các danh hiệu thi đua, để thực hiện chế độ, chính sách, sử dụng giáo viên...
Hãy để việc bồi dưỡng phát triển và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trở thành nhu cầu học tập thường xuyên một cách tự nguyện.

Cần có cách kiểm tra đánh giá một cách linh hoạt hợp lý. Tránh tình trạng “bắt ép” như cách làm của một số trường hiện nay chỉ tạo cơ hội cho giáo viên tìm mọi cách đối phó mà thôi.

Tác giả bài viết: Đỗ Quyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP