Lo ô tô “made in Việt Nam” thất thế
Trước đó, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng).
Điều này giúp giảm giá xe “made in Việt Nam”, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính không đồng tình, vì phương án này chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia (NT) nêu tại Điều III, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT.
Sản xuất ô tô trong nước đối mặt với áp lực từ xe nhập khẩu. |
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty ô tô Huyndai Thành Công, cho hay: "Đây là một tin không vui. Tập đoàn Thành Công, Trường Hải... đang có nhiều chiến lược sản xuất ô tô trong nước, kêu gọi các tập đoàn ô tô chuyển giao công nghệ, cấp bản quyền sản xuất linh kiện ở Việt Nam, từ đó tạo ra một nền công nghiệp ô tô, biến giấc mơ xuất khẩu ô tô Việt Nam ra ASEAN. Tại Thành Công, chúng tôi cũng đã hoạch định ra chiến lược cho việc đó, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên tối thiểu 40% vào 2019 để xuất khẩu".
Nói đến điều xấu nhất có thể xảy ra, ông Đức cho rằng: "Chúng tôi đã có kế hoạch đầu tư sản xuất những linh kiện có hàm lượng giá trị lớn, như kế hoạch đầu tư nhà máy dập thân vỏ xe, hay sản xuất một số chi tiết trong động cơ hộp số. Chi phí đầu tư các linh kiện này là rất lớn. Nếu không được trừ phần thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện sản xuất trong nước, chúng tôi sẽ phải rà soát lại việc đầu tư, chỉ có thể đầu tư sản xuất các chi tiết có giá trị thấp và đầu tư nhỏ. Như vậy khó thành hiện thực tỷ lệ nội địa hóa".
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính ngày 12/1, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung nội dung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống như đề nghị của Bộ này trước đây. Đó là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước được trừ đi giá linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Ông Lê Ngọc Đức cho rằng: Đây là chính sách các nước áp dụng rất nhiều, như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ. Không có chính sách đó thì sản xuất linh kiện trong nước không thể cạnh tranh được với linh kiện của các nhà sản xuất lớn trên thế giới, không gắn kết được nhà sản xuất linh kiện trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, bởi nhiều khi, linh kiện mua của nước ngoài rẻ hơn do sản xuất số lượng lớn.
“Có ý kiến lo ngại vi phạm cam kết WTO, nhưng chính sách của chúng ta không giẫm vào các cam kết mà theo hướng tiệm cận các vạch đỏ đó. Các nước tôi vừa nêu đều là thành viên WTO, họ đã khôn khéo vận dụng được và ta cần tham khảo. Đề xuất của Bộ Công Thương hoàn toàn có thể được ban hành có lộ trình 3-5 năm, để các nhà sản xuất ô tô có điều kiện phát triển”, ông Lê Ngọc Đức chia sẻ.
Người Việt vẫn khát khao giấc mơ ô tô giá rẻ. |
Nhiều nơi lo ngại vi phạm cam kết
Thực tế, trong quá trình lấy ý kiến việc này, nhiều quan điểm không đồng tình đã được gửi đến Bộ Tài chính. Ngay cả Hiệp hội các nhà sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) - nơi có hầu hết DN ô tô “ngoại” cũng không đồng ý.
Hiệp hội các nhà sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) quan ngại rằng chính sách này sẽ tạo ra một sân chơi không bình đẳng đối với các nhà sản xuất ô tô nói chung và không tuân thủ những cam kết của Việt Nam với WTO.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận rằng việc xác định giá tính thuế như trên sẽ khuyến khích sản xuất lắp ráp, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô trong nước. Tuy nhiên, Bộ này đề nghị cần nghiên cứu quy định trên để không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử WTO và các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, nhất là những Hiệp định có hiệu lực liên quan đến lĩnh vực ô tô.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị giữ như quy định hiện hành, việc sửa đổi là không hợp lý.
“Việc trừ đi phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước sẽ tạo ra nguy cơ không minh bạch, dễ bị lợi dụng đưa linh kiện nhập khẩu nhưng dán mác sản xuất trong nước để trục lợi (đã từng xảy ra)”, UBND tỉnh Bắc Ninh lo ngại.
Trong khi đó, UBND TP. Hải Phòng có ý kiến: Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với hoạt động sản xuất xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phù hợp. Tuy nhiên, đây là mặt hàng chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao, việc giảm thuế dựa trên tiêu chí “trừ đi phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước” cần cân nhắc kỹ lưỡng.
“Hiện tại, phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước đối với các doanh nghiệp là bao nhiêu? Khả năng tăng thêm phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước khi áp dụng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt? Số thuế tiêu thụ đặc biệt giảm khi áp dụng chính sách mới? Từ đó, có kết luận cụ thể về lợi ích mang lại khi áp dụng chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất xe ô tô trong nước”, UBND TP. Hải Phòng góp ý.
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet