Cống xả nước thải trực tiếp gây ô nhiễm biển ở Đà Nẵng. |
Thực trạng trên khiến người dân, du khách phải than trời, còn chính quyền cố gắng chi tiền tỉ để xử lý, nhưng cũng chỉ mới giải quyết bề nổi…
Ô nhiễm tứ phía
Đi dọc bãi biển Đà Nẵng từ Ngũ Hành Sơn đến quận Liên Chiểu, nhiều người dễ dàng nhận thấy 41 cửa xả thải trực tiếp ra biển với dòng nước đen ngòm, hôi thối nồng nặc.
Ngay tại các miệng cống này, hàng trăm mét khối cát cũng đổi màu trôi tuột xuống biển tạo nên những rãnh sụt lún. Thậm chí, có đường hầm xả thải trực tiếp ra khu vực bãi tắm Mỹ Khê tạo rãnh to, sâu hoắm.
Một nhân viên làm dịch vụ tại bãi tắm Mỹ Khê cho biết, hiện tượng này tồn tại rất nhiều năm. Và từng đó thời gian, người dân, du khách chịu dựng mùi hôi bốc lên từ dòng nước thải.
Những năm trước, nước chỉ xả theo từng đợt, nhưng tháng 7, 8 vừa qua lại thải liên tục, mang theo xác động vật chết, rác đầy tràn dọc khắp bãi biển.
Nhiều hộ dân buôn bán cạnh khu vực cống xả bức xức, mỗi lần thò chân xuống nước sẽ bị ngứa ngáy. Hình ảnh du khách loay hoay tìm đường nhảy qua “kênh nước thải” ngay trên biển không còn xa lại. Sau đó, họ ngao ngán đi tìm nơi khác để vui chơi.
Trước thực tế đang làm xấu hình ảnh du lịch, mới đây, Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đi kiểm tra và phát hiện 3 công trình vi phạm xả thải trực tiếp ra biển.
Cụ thể, Khách sạn Sea Shore (quận Sơn Trà) do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chinwin làm chủ đầu tư; công trình khách sạn lô 20, 21, 22, B4; ba vệt dọc tường rào sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn) do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Nam Holiday làm chủ đầu tư; Công trình Khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ Royal Era 1 do Công ty TMS Hotel Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 7 vừa qua, 11 hộ dân nuôi cá lồng trên sông Cổ Cò quận Ngũ Hành Sơn hốt hoảng khi hàng chục tấn cá chết trắng sau một đêm. Nguyên nhân vừa được công bố, nguồn nước bị ô nhiễm nặng do trạm xử lý nước xả thải.
Nhắc tới ô nhiễm tại Đà Nẵng, âu thuyền Thọ Quang từ lâu vốn được xem “điểm đen”. Đứng từ cầu Mân Quang (quận Sơn Trà), hay ngang bến cảng, người dân có thể thấy những túi rác lớn nhỏ vứt trên bãi cỏ, bờ kè hay mặt nước.
Sau nhiều năm “ngậm” rác, bùn thải, màu nước ở âu thuyền đã chuyển đen bóng, loáng dầu, mùi hôi khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi, khó chịu.
“Mỗi ngày có 14 nhân viên vệ sinh dọn dẹp trên bờ dưới nước cho khoảng 700 lượt tàu thuyền. Nhưng dọn hôm nay, hôm sau lại y nguyên hiện tượng”, ông Ngô Văn Cát - Phó Trưởng ban quản lý âu thuyền Thọ Quang ngao ngán.
Trong báo cáo nhiều năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng xác nhận, tình trạng ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang đã ở mức báo động.
Nguyên do chính từ hoạt động xả thải chưa qua xử lý của các tàu thuyền, nước thải từ các doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy sản trong khu công nghiệp thuỷ sản chưa thể kiểm soát, rác thải dân sinh từ các tàu cá đổ xuống mặt nước và mùi hôi từ bùn đáy âu thuyền Thọ Quang do chưa được nạo vét thường xuyên.
Tiền tỉ chỉ giải quyết được... bề nổi!
Tin từ UBND TP Đà Nẵng, để khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi biển Mỹ Khê, thành phố này đã quyết định đầu tư công trình “Xây dựng hệ thống thu gom nước thải và tuyến ống chuyển tải nước thải trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn” với tổng kinh phí thực hiện 4,4 tỷ đồng.
Theo đó, công trình sử dụng giải pháp thiết kế gồm: hệ thống van phai hỗn hợp van cửa phai kết hợp với van lật, thay thế các van lật hiện tại nhằm hạn chế nước thải và mùi hôi trong cống thoát ra ngoài.
Trong trường hợp bình thường, van hỗn hợp luôn đóng kín, khi nước mưa trong cống vượt qua đỉnh van cửa phai sẽ tự động tràn ra ngoài thông qua các van lật bên trên. Khi mực nước trong cống quá tải, van cửa phai được kéo lên để đảm bảo nước mưa trong cống thoát hết ra ngoài.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, Đà Nẵng chỉ mới giải quyết được bề nổi và một phần của tình trạng ô nhiễm.
Đối với công xả thải ra biển, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mới đây đã trực tiếp thị sát, yêu cầu phải giải quyết ngay.
Song, trao đổi về vấn đề này, ông Mai Mã - Giám đốc Công Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng thừa nhận: “Do mật độ dân số, du khách tăng kéo theo lượng nước thải sinh hoạt tăng lên gấp 3 - 4 lần. Trước đây, đến mùa mưa nước thải sinh hoạt mới tràn ra biển cùng nước mưa nhưng nay, mùa hè nước thải sinh hoạt vẫn tràn ra ngoài. Trong khi đó, các máy bơm tại đây đã vận hành 10 năm, công suất bơm không đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải hiện tại. Nếu đợi Dự án cải thiện môi trường nước thành phố do JICA (Nhật Bản) và Ngân hàng Thế giới tài trợ, chắc “còn lâu”.
Đối với âu thuyền Thọ Quang cũng đã từng được phản ánh, đưa ra bàn họp trong các cuôc họp HĐND thành phố. Không những thế, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã thốt lên, cách làm bao năm qua chỉ cong lưng dọn dẹp, không làm tận gốc rễ vì sợ khó, sợ gặp chống đối.
Sau khi được Chủ tịch chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến nay, nói như ông Ngô Văn Cát - Phó Trưởng ban quản lý âu thuyền Thọ Quang, mỗi năm Đà Nẵng mất vài ba trăm triệu để xử lý rác, phía Ban quản lý còn chi hơn gấp 3, 4 lần nhưng tất cả đều chỉ là bề nổi.
Dọn mãi cũng không được, tuyên truyền mãi cũng không ai nghe, xử phạt chưa đủ lực lượng và chưa răn đe. Âu thuyền đang có hàng vạn mét bùn chưa được nạo vét.
Đối với một thành phố lớn như Đà Nẵng, âu thuyền Thọ Quang phải được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ xứng tầm một cảng cá lớn của miền Trung. Từ khi có chủ trương của thành phố gom tất cả thuyền neo đậu về hết âu thuyền, khiến nơi đây trở nên quá tải. Thế nhưng, cứ dọn bằng tay, làm cầm chừng, thấy đâu gỡ đó… càng gây ra hệ lụy dai dẳng về ô nhiễm môi trường.
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: Pháp Luật Plus