Giáo dục

Nước mắt bao giờ thôi chảy ngược?

Sắp đến Tết, người lao động nào cũng háo hức chờ thưởng. Nhưng năm nào cũng thế, những dòng title so sánh mức thưởng Tết cao nhất với thấp nhất lại tràn ngập các mặt báo. Năm ngoái nghe đâu chênh lệch tới 15.000 lần, còn năm nay người ta tính ra mức chênh lệch vọt lên 20.000 lần. Cụ thể là người cao nhất được thưởng Tết 1 tỷ đồng, còn người thấp nhất là 50.000 đồng.

co giao
Hình ảnh cô giáo ở Điện Biên vượt 50km để đến trường làm lay động cộng đồng những ngày qua

Nhưng con số chênh lệch đó thực ra vẫn chưa phản ánh đúng thực tế, bởi vì nó chỉ giới hạn trong khối doanh nghiệp có báo cáo thưởng Tết. Còn thật ra, có những đơn vị chẳng có thưởng Tết để mà báo cáo.

Theo khảo sát của Công đoàn giáo dục Nghệ An về tình hình việc làm, đời sống, thu nhập của cán bộ, công nhân viên chức lao động trong ngành giáo dục cho thấy, mức quà Tết trung bình của các đơn vị là 502.000 đồng. Trong đó, đơn vị thấp nhất giáo viên chỉ nhận được 30.000 đồng thưởng Tết. Thậm chí, một trường tư trên địa bàn giáo viên còn không có quà Tết do trường không tuyển đủ học sinh.

Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng nếu thử tính trung bình tiền thưởng Tết của các ngành thì giáo dục hẳn sẽ đứng chót bảng. Năm nào cũng có những câu chuyện khiến người ta phải ngậm ngùi khi nhắc đến thưởng Tết của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.



Ấy là nơi những giáo viên không chỉ phải chịu điều kiện sống, điều kiện giảng dạy vô cùng khó khăn mà còn phải trèo đèo lội suối đến từng hộ gia đình để vận động học sinh đi học. Những giáo viên xa nhà cả năm trời nhưng khoản thưởng Tết cuối năm mang về biếu gia đình có khi chỉ là vài cân khoai, cân sắn của phụ huynh học sinh tặng.

Thật khập khiễng khi so sánh mức thưởng Tết cao nhất với thấp nhất. Vì khi doanh nghiệp làm ăn phát đạt, người lao động có đóng góp lớn thì việc được thưởng Tết cao là xứng đáng và rất đáng mừng. Nhưng làm thế nào để mỗi năm chúng ta không phải ngậm ngùi, xót xa cho những người lao động không có thưởng Tết.

Bởi vì, xã hội không thể phủ nhận sự cống hiến, sự hy sinh thầm lặng của những giáo viên vùng sâu, vùng xa. Đừng để các thầy, cô tủi thân thêm nữa mỗi dịp Tết về, hay mỗi lần đọc những dòng tin về thưởng Tết - đó cũng là một cách thiết thực chăm lo cho ngành giáo dục nước nhà.

Còn nhớ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khi còn trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2009 đã có bức “tâm thư” gửi tới lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ với nỗi thiệt thòi của đội ngũ nhà giáo mỗi dịp Tết đến.

Trong thư có đoạn: “Tôi thiết tha đề nghị các đồng chí Chủ tịch HÐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố, các quận, huyện bằng khả năng tối đa của mình góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy, cô giáo tại quận mình, huyện mình, tỉnh mình, thành phố mình, để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến…”.

Đúng như lời khẩn thiết trong bức tâm thư, chúng ta hãy cùng chung tay chăm lo cho đời sống giáo viên, bởi nếu trông chờ vào sự tự vận động của các nhà trường, các địa phương khó khăn thì những giọt nước mắt chảy ngược vào trong vẫn còn nhiều lắm.

Hãy bỏ đi những đề xuất tượng đài nghìn tỷ đồng không cần thiết, những công trình hoành tráng, bớt đi những khoản tiếp khách khổng lồ, hãy thôi thói hình thức... để chăm lo thiết thực nhất cho đời sống người lao động.


Tác giả bài viết: Linh Nhật

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP