Du lịch

Núi Bà Đen rực rỡ sắc màu văn hoá tâm linh thu hút du khách

Núi Bà Đen tên gốc là núi Bà Dinh (tên gọi khác là núi Một), cao 986m so với mực nước biển, được xem là “mái nhàĐông Nam bộ”.Quần thể di tích lịch sử Núi Bà Đen tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) có phong cảnh hữu tình cùng huyền thoại được lưu truyền, kể từ khi có cáp treo đến 31/12/2023 đã thu hút 5 triệu du khách đến với địa danh tâm linh này.

Tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn cùng cột Kinh Bát Nhã trong đêm Hội hoa đăng chào năm mới 2024 trên đỉnh Núi Bà Đen. (Ảnh: Yphong)

Truyền thuyết linh thiêng.

Tìm hiểu về truyền thuyết Núi Bà Đen, tác giả tìm gặp Đạo diễn - Nhà báo Nông Huyền Sơn(một người con của quê hương Tây Ninh chuyên nghiên cứu về lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng), theo ông Sơn có đến 3 truyền thuyết về Bà Đen. Nhưng truyền thuyết sau đây được nhiều người kể đến.

Đó là, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên, mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp.Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, được một nhà sư nuôi dạy từ nhỏ, văn hay võ giỏi.Lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt, chàng Lê Sĩ Triệt đã cứu nàng, đề đáp ơn cha mẹ Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn. Ở nhà Lý Thị Thiên Hương lại bị kẻ xấu vây bắt, toan hãm hiếp. Giữ lòng trung trinh, nàng đã nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi chết, nàng Hương hiển thánhvới hình dáng một người phụ nữ đen đúa báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết, sau đó vị sư bèn đi tìm thi thể nàng đem về mai táng. Vì vậy, vị sư gọi nàng là nàng Đen còn người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.

Khi bị quân Tây Sơn đuổi đánh, chúa Nguyễn Ánh đã lẩn tránh ở núi Bà Đen. Thiếu lương thực, quân vương đều đói lả. Nghe đồn về sự linh thiêng của bà Đen, trong cơn tuyệt vọng, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin phò trợ. Đêm đó, bà Đen xuất hiện trong mộng cho biết một loại cây cho quả có thể cứu đói binh sĩ, thức dậy Chúa Nguyễn đã truyền cho binh sĩ hái quả để ăn và ông đã đặt tên là “quả tùng quân”. Năm 1790, Nguyễn Ánh đưa binh lính quay lại cất lại điện thờ phong sắc Linh Sơn Điện, đúc tượng và phong Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu.

Trong Quốc Sử quán triều Nguyễn cũng ghi rằng Vua Gia Long phong sắc cho Bà Đen, có nghĩa là truyền thuyết về Bà Đen có trước khi Nguyễn Ánh vào núi lánh nạn Tây Sơn, điện thờ Bà Đen là Linh Sơn Điện,có một hang đá do các vị sư chi phái Liễu Quán (thuộc phái Lâm Tế Chánh Tông) làm nơi ẩn cư niệm Phật, hang này được gọi là Linh Sơn Thạch Động Tự hoặc chùa Hang.Điện thờ Bà mang tín ngưỡng thờ Mẫu, còn ngôi chùa là tín ngưỡng Phật giáo ẩn cư của chi phái Liễu Quán (Lâm Tế)…

Tượng Phật núi Bà Đen được xác lập kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam” và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi”. (Ảnh Yphong)

Tìm về giá trị văn hóa tín ngưỡng.

Trải qua nhiều biến cố, năm 1956 nhà giáo Nguyễn Văn Hảo được một người phụ nữ đen đúa báo mộng, bảo ông đến chùa Phước Lâm sẽ gặp bà. Ông Hảo đến gặp và kể cho nhà sư Nguyên Chất (trụ trì chùa Phước Lâm) thì nhà sư đã thất kinh xác nhận “Một người lính Nhật đã bí mật giao cho tôi bức tượng trước khi về nước, không ai biết chuyện này”. Sau đó nhà sư cùng ông Hảo và một số người khác lên núi xây cất lại nơi thờ Bà, đặt tên là Linh Sơn Tự - Ông Nông Huyền Sơn xác nhận, câu chuyện trên được con gái ruột của ông Nguyễn Văn Hảo kể cho nghe từ năm 1980.

Theo dòng lịch sử, truyền thuyết về sự hiển linh của Bà Đen cùng với tín ngưỡng tâm linh, dân chúng ở khắp các nơi đã đến Tây Ninh để vãn cảnh, cúng bái, cầu tài lộc và bày tỏ lòng tôn kính với vị thánh Bà.

Hệ thống Cáp treo hiện đại tạo ra cơ hội để du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc sơn thủy hữu tình, khám phá hệ thực vật và động vật nguyên sơ, độc đáo chỉ riêng có tại núi Bà Đen. (Ảnh Yphong)

Hiện nay, Ga Bà Đen được xây dựng có tổng diện tích gần 11.000m2 với kiến trúc độc đáo mái nhô lên tượng trưng cho 3 ngọn núi: núi Bà, núi Phụng và núi Heo thuộc quần thể núi Bà Đen hùng vĩ.Hệ thống cáp treo Bà Đen thuộc khu du lịch Sun World BaDen Mountain đã đưa vào khai thác ngày 18/1/2020 gồm: Ga Bà Đen, Ga Chùa Hang, Ga Vân Sơn.Cùng với 2 tuyến cáp treo có công suất lớn, thời gian di chuyển 5-8 phút/chuyến, hệ thống Cáp treo hiện đại tạo ra cơ hội để du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc sơn thủy hữu tình, khám phá hệ thực vật và động vật nguyên sơ, độc đáo chỉ riêng có tại núi Bà Đen, Tây Ninh.

Kỷ lục Guinness Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới – Núi Bà Đen và không gian văn hóa tâm linh Chùa Bà nổi tiếng với không gian đẹp tựa “tiên cảnh”. Các công trình nổi bật như: Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á toạ lạc trên đỉnh núi hay khu triển lãm Phật giáo trưng bày các tác phẩm văn hoá Phật giáo nổi tiếng, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá thế giới Phật giáo qua các ứng dụng công nghệ hiện đại. Với sức hấp dẫn ấy, ngày 31/12/2023khu du lịch Sun World BaDen Mountain đã đón 5 triệu lượt khách, đến núi Bà Đen.

Bà Nguyễn Lâm Nhi Thuỳ - Phó Tổng Giám Đốc Sun Group vùng Miền Nam cho biết, ngày 28/1/2024, Lễ an vị Đại tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới sẽ được tổ chức tại khu du lịch Sun World BaDen Mountain (Tây Ninh). Cùng với Đại tượng Phật Di Lặc là nhiều công trình mới lần đầu tiên có tại Việt Nam như thác nước nhân tạo cao nhất châu Á chảy quanh tượng Phật Di Lặc hay Cầu Ước – cây cầu tâm linh độc đáo để du khách chiêm bái Tượng Phật Di Lặc và ngắm toàn cảnh thành phố Tây Ninh từ trên cao.Một lần nữa minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của du lịch Tây Ninh, biến nơi đây thành một điểm du lịch mới hấp dẫn, hiện đại trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tác giả: Yphong

Nguồn tin: vanhoavaphattrien.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP